Người Việt tốn hơn 24 tiếng/tuần để online

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là mức độ tiêu tốn thời gian trung bình được mỗi người Việt Nam sử dụng để vào mạng internet, con số này tăng mạnh tới 30% so với 1 năm trước đó.

Mới đây công ty thống kê Nielsen đã công bố Báo cáo về Xu hướng đa nền tảng tại Việt Nam 2015. Theo đó, mức độ phụ thuộc cũng như tiêu tốn thời gian vào việc truy cập internet trong năm 2015 đã tăng mạnh so với 1 năm trước.
Người Việt ngày càng "nghiện" internet (Ảnh minh họa)
Người Việt ngày càng "nghiện" internet. Ảnh minh họa
Cụ thể, mỗi tuần người Việt sử dụng 24,7 giờ để vào mạng, tăng 9 giờ so với năm 2014. Xét ở khu vực châu Á, người dùng Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tiêu tốn thời cho việc online, xếp thứ 1 là Singapore với 25,9 giờ/tuần.

Đi sâu vào đối tượng sử dụng internet của Việt Nam, có thể nhận thấy nhóm người trẻ với độ tuổi từ 21-29 dành nhiều thời gian để online nhất khi lên đến 27,2 giờ/tuần. Nhóm từ 40 trở lên tốn thời gian thứ 2 với trung bình khoảng 22,6 tiếng/tuần.

Cũng theo Nielsen, tính hết năm 2015, 91% người Việt sở hữu smartphone, tăng mạnh so với mức 82% của năm 2014. Tuy nhiên, máy tính xách tay vẫn là công cụ được người Việt sử dụng nhiều nhất để truy cập internet khi chiếm đến 38%, còn smartphone là 31%.

Cùng với thói quen tiêu tốn ngày càng nhiều thời gian hơn cho việc truy cập internet của người Việt qua thiết bị di động, nền tảng cung cấp nội dung và thông tin cho người tiêu dùng bắt đầu có sự thay đổi. Mặc dù TV truyền thống vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu khi chiếm được tới 72% người tiêu dùng nhưng các nền tảng thay thế đang phát triển mạnh mẽ.

Nielsen cho biết, hiện tại, có tới 78% người tiêu dùng xem phim ảnh và các chương trình truyền hình bằng các nền tảng trực tuyến như video theo nhu cầu (VOD) và 67% trong số này coi đây là nhu cầu  mỗi ngày. YouTube (97%), Facebook (81%) và trang nghe nhạc nhaccuatui.com (56%) là 3 trang web phổ biến nhất được người tiêu dùng sử dụng để xem các nội dung VOD.

Khi xem các nội dung VOD, 83% người Việt sử dụng máy tính xách tay/máy tính để bàn, trong khi 63% sử dụng điện thoại thông tin, 55% sử dụng TV và 34% sử dụng máy tính bảng.