Người vợ liệt sĩ cả đời sợ muối và "bảo bối" 70 năm cất kỹ đáy hòm

Theo soha.vn
Chia sẻ Zalo

Lịch sử hay có những góc khuất dễ bị bỏ sót. Câu chuyện về ông Hoàng Văn Hán, Chỉ huy trưởng Khởi nghĩa Bắc Sơn, là một góc như vậy. Nhưng những sự bỏ sót thường hay xảy ra đó không đáng sợ bằng thái độ "muốn quên luôn" lịch sử.

01.  Cái chết bi tráng của vị chỉ huy và câu chuyện của người đàn bà sợ muối

Bà Hoàng Thị Phát năm nay đã 82 tuổi, mái tóc bạc trắng, sống cùng con trai ở một con phố thanh bình của thành phố Lạng Sơn. Bà không thể nhớ mặt cha mình - ông Hoàng Văn Hán, Chỉ huy trưởng Khởi nghĩa Bắc Sơn. Ông xa nhà hoạt động cách mạng từ trước khi bà Phát ra đời, chỉ thỉnh thoảng mới có dịp về thăm vợ - bà Dương Thị Xưởng.

Ký ức sâu sắc nhất của bà Phát về những ngày trước Cách mạng tháng Tám là: Từ khi lên 2 tuổi, năm nào bà cũng phải theo mẹ đi lao động khổ sai cho chính quyền thực dân Pháp ròng rã 6 tháng, vì gia đình họ có một người chồng, người cha là "giặc cỏ".

Lịch sử Đảng bộ Bắc Sơn còn ghi lại: Năm 1940, ông Hoàng Văn Hán cũng các đồng chí của mình trong chi bộ xã Hưng Vũ (châu Bắc Sơn), gồm các ông Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún, Đường Văn Thức nhận định đã có thời cơ phát động quần chúng khởi nghĩa vũ trang. Ban chỉ huy khởi nghĩa được thành lập, Chỉ huy trưởng là ông Hoàng Văn Hán. Mục tiêu tấn công đầu tiên là đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.

 

Ngày 27/9/1940, 600 quân khởi nghĩa với vũ khí thô sơ chia 3 mũi tấn công, chiếm được đồn Mỏ Nhài. Quân Pháp và tay sai đóng ở đây hoảng sợ bỏ chạy. Ông Hán đại diện Ban chỉ huy Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai do đế quốc dựng lên. Nhận được tin, Xứ ủy Bắc kỳ cử ông Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn lãnh đạo phong trào cách mạng. Những chỉ ít ngày sau, quân Pháp đã phản công chiếm lại đồn Mỏ Nhài, đàn áp nhân dân dữ dội.

Cuối tháng 10 năm đó, đội du kích Bắc Sơn được thành lập. Khi mọi người tập trung ở Vũ Lăng chuẩn bị đánh đồn Mỏ Nhài lần nữa thì bị quân Pháp tập kích. Du kích phải rút vào rừng Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Võ Nhai (Thái Nguyên), xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài. Đội du kích Bắc Sơn sau đó phát triển thành Cứu quốc quân Bắc Sơn.

Tuy chỉ giữ được thắng lợi trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lớn, bởi đó là chiến thắng đầu tiên của khởi nghĩa vũ trang cách mạng, kể từ khi Đảng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược những năm 1939-1940.

Trong những người chỉ huy Khởi nghĩa Bắc Sơn, ông Nông Văn Cún bị giặc bắn chết năm 1941 khi đi thuyết hàng đồn Đình Cả; ông Trần Đăng Ninh trải qua nhiều gian lao, vào tù ra khám nhiều lần và đến năm 1955 thì qua đời... Tuy nhiên, nếu kể đến số phận bi tráng nhất trong số họ, có lẽ không ai ngoài ông Hoàng Văn Hán.

 Đội du kích Bắc Sơn ngày thành lập. (Ảnh tư liệu Bảo tàng lịch sử)

Vốn là Chỉ huy trưởng Khởi nghĩa Bắc Sơn, ông Hán đảm nhiệm luôn vị trí Chỉ huy trưởng du kích Bắc Sơn cho đến khi Xứ ủy Bắc Kỳ cử ông Lương Văn Tri thay thế. Du kích Bắc Sơn phát triển thành đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, trong danh sách 32 thành viên, ông Hán xếp thứ ba, chỉ sau ông Lương Văn Tri và Chu Văn Tấn (tức Thượng tướng Chu Văn Tấn, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, người được quân Pháp đặt biệt danh "Hùm xám Bắc Sơn").

Ông Hán tiếp tục đi lại, hoạt động bí mật ở vùng Hưng Vũ, Bắc Sơn. Là một cán bộ quan trọng, thông thuộc vùng đất và con người Bắc Sơn, lại có khả năng lãnh đạo chiến tranh du kích, ông Hán bị coi là cái gai trong mắt thực dân Pháp và tay sai.

Đầu năm 1945, ở nhiều địa phương khí thế cách mạng sôi sục, giặc càng khủng bố ráo riết hơn. Ở Bắc Sơn, Tri châu Nguyễn Văn Phú cho dựng sẵn 7 giá treo cổ ở Mỏ Nhài, nói là để xử 7 Việt Minh "đầu sỏ". Riêng với "cái đầu" ông Hoàng Văn Hán, Châu Phú treo giải thưởng đặc biệt: 200 đồng bạc trắng, 2 tạ muối - một phần thưởng có thể coi như cả gia tài thời kỳ đó.

Sự cám dỗ kết hợp khủng bố của giặc đã khiến một số kẻ phản bội đầu hàng. Ngày 9/2/1945, giáp Tết âm lịch, 3 tên Hoàng Đình Thưởng, Hoàng Đình Tăng, Hoàng Văn Còn vờ mang đồ tiếp tế vào rừng Lân Ảng gặp ông Hán. Ngoài lương thực, mượn cớ gần Tết, 3 kẻ này còn mang theo rượu pha mật ong vào chúc tụng ông. Lúc này, bên cạnh ông Hán còn có một nữ đồng chí là bà Pèng. Thấy có dấu hiệu bất thường, bà Pèng giả đi ra ngoài. Ngay lúc đó, 3 kẻ phản bội xông vào quật ngã ông Hán. Dù to khỏe, có võ, nhưng một mình ông không địch nổi 3 người. Bọn chúng sát hại ông, chặt đầu và cắt cả hai bàn tay.

Ở bên ngoài chứng kiến sự việc, bà Pèng vội trốn vào cây mạy sảng (cây gai dưới gốc rỗng ở giữa) nên thoát nạn. Còn 3 tên phản bội đem đầu và tay ông Hán về nộp. Giặc mang đầu ông bêu ở chợ Mỏ Nhài mấy ngày liền, rồi mới cho gia đình chôn cất, nhưng cũng chỉ được chôn ngoài rừng.

Mãi đến lúc hy sinh, liệt sĩ Hoàng Văn Hán vẫn chưa từng chụp một tấm ảnh chân dung nào. Bà Xưởng vẫn nói cô bé Phát có nét mặt giống cha. Mãi về sau, chân dung ông Hán cũng là do một họa sĩ vẽ lại dựa trên khuôn mặt cô con gái.

Hình ảnh hào hùng của vị chỉ huy Hoàng Văn Hán khi đứng lên trước đám đông, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân Pháp ở Bắc Sơn, hay câu chuyện bi thảm về cái chết của ông… cô con gái nhỏ của ông đều chỉ biết qua lời kể của những người già, hay qua sử sách.

Duy có một việc mà cô bé Phát, cho đến lớn và nay đã là một bà già 82 tuổi, vẫn nhớ rõ: Từ sau cái chết của cha, mẹ cô mắc chứng sợ muối. Bị ám ảnh rằng cái chết của chồng là do những kẻ kia bị cám dỗ bởi 200 đồng bạc và 2 tạ muối, bà Xưởng không bao giờ dám chạm tay vào một hạt muối nào.

Mãi đến khi qua đời năm 2007, tính ra có đến hơn 60 năm bà sống với nỗi ám ảnh sợ muối. Đến nỗi mỗi dịp gần Tết, hàng xóm nhà nào cũng mua muối ướp thịt, riêng nhà bà Xưởng thì không.

 

02. Bảo vật 70 năm nằm dưới đáy hòm và lời khuyên ''Đi tìm tổng bộ Việt Minh''

Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng ngày nào đã đi vào lịch sử gần 80 năm. Những người lãnh đạo ngày đó đều đã thành người thiên cổ. Vợ con ông Hoàng Văn Hán sống cuộc sống bình lặng của những người dân thường, giữ riêng cho mình niềm tự hào về người chồng, người cha đã vì nước quên thân.

Hai năm sau cái chết của ông Hoàng Văn Hán, Châu bộ Việt Minh Minh Khai, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, tặng huy chương cho ông. Tuy nhiên do điều kiện lúc đó chưa có huy chương hiện vật, nên Việt Minh cấp cho bà Phát một tấm Giấy chứng minh để đảm bảo.

 Tấm giấy Chứng minh số 9 do Châu bộ Việt Minh, thay mặt Tổng bộ Việt Minh cấp cho bà Hoàng Thị Phát.

Nội dung Giấy chứng minh số 9 viết:

Cấp cho đồng chí Hoàng Thị Phát ở xã Hưng Vũ, Châu Bắc Sơn, là con đồng chí Hoàng Văn Hán

Đã hy sinh về công cuộc Cách mạng hồi năm 1945

nay công cuộc Cách Mạng đã thành công. Tổng Bộ Việt-Minh không thể không nhớ đến đồng chí Hoàng Văn Hán đã bị hy sinh, muốn đáp lại công lao ấy.

Tổng bộ Việt-Minh tặng một tấm huy chương.

Vậy châu Bộ Việt-Minh thay mặt Tổng Bộ cấp gấy chứng minh này để bảo đảm tấm huy chương của Tổng Bộ ban thưởng.

"Đồng chí Hoàng Thị Phát" lúc đó mới 10 tuổi, còn chưa hiểu gì. Là con ông Hoàng Văn Hán, bà được ông Chu Văn Tấn đón về nuôi dưỡng theo lời hứa giữa những người đồng chí với nhau từ trước.

Tờ giấy được mẹ bà là bà Dương Thị Xưởng cất giữ trong đáy hòm đồ riêng tư. Không biết chữ, bà Xưởng chỉ coi đó là một kỷ vật cần giữ gìn. Năm 2007, bà Xưởng mất, cái hòm được để lại cho con dâu trưởng là bà Dương Thị Then cất giữ. Đến năm 2015, bà Then cũng qua đời. Theo tục lệ, hòm đồ vật phải được giữ nguyên đến khi mãn tang (3 năm) mới được mở ra.

 

Năm 2017, các con bà Then mở hòm ra xem, mới biết đến sự tồn tại của tờ giấy Chứng minh huy chương nọ. Nó đã nằm dưới đáy hòm đã được đúng 70 năm. Vì một lý do kỳ diệu nào đó, tờ giấy vẫn chưa mục nát, chữ đánh máy trên đó còn rõ ràng.

Ông Hoàng Văn Tiệp (con bà Then, cháu nội ông Hoàng Văn Hán) lúc này đã là một cựu chiến binh, vội mang tờ giấy đến cho cô mình là bà Hoàng Thị Phát. Bà Phát cũng không ngờ rằng tuổi già yên ả của bà đã bị mảnh giấy này khuấy động mấy năm liền, mà chưa biết đến ngày nào mới bình yên như trước.

 Ông Hoàng Văn Tiệp, cháu nội ông Hán, 2 năm nay gõ cửa nhiều cơ quan để xin lại tấm huy chương đã được hứa tặng ông nội mình.

Từ khi biết đến sự tồn tại của một tấm huy chương đã được hứa tặng cho ông Hoàng Văn Hán từ 70 năm trước, gia đình đã năm lần bảy lượt tìm gặp các cơ quan chức năng để hỏi và đề đạt nguyện vọng được nhận phần thưởng vinh dự đó. Đây là sự đền đáp cho mất mát lớn lao mà gia đình vị chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã gánh chịu, là sự ghi nhận của đất nước với một người con đã hy sinh.

Nhưng đáng tiếc, đáp lại lòng mong mỏi của gia đình là những cái lắc đầu từ các cơ quan cấp huyện lẫn tỉnh và cao hơn. Sự việc diễn ra đã quá lâu, việc xác minh có thể sẽ mất nhiều công sức.

Đáng trách nhất, có những nơi thay vì hướng dẫn bà cụ Phát tìm đúng "cửa" có thể giải quyết sự việc, lại đưa ra những câu trả lời khiến bà thật sự hoang mang: Gia đình hãy tìm cơ quan nào tiếp nhận nhiệm vụ của Tổng bộ Việt Minh để được hướng dẫn giải quyết.

Gõ cửa cơ quan công quyền chán, ông Tiệp gửi thư cả đến vị đại biểu Quốc hội được ông tin tưởng nhất, là ông D.T.Q. "Ông ấy trả lời: Khó đấy. Ông ấy hứa sẽ nghiên cứu, đề đạt lên trên để có cách thức khác suy tôn cho ông nội tôi. Nhưng đến giờ chưa thấy", cựu chiến binh Hoàng Văn Tiệp kể.

Trên đường đi xin lại tấm huy chương chưa bao giờ đến được tay gia đình, ông Tiệp tâm sự: Nhiều lúc ức muốn khóc. Giờ biết tìm Tổng bộ Việt Minh ở nơi đâu?

Bà cụ Hoàng Thị Phát vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, mà lòng vẫn không yên vì "món nợ" với cha. Thương bà, nhiều lúc con cháu đành khuyên: Thôi thì, có tấm giấy ấy, vừa là kỷ vật đã tồn tại gần thế kỷ, cũng là sự ghi nhận của Tổng bộ Việt Minh. Đành cứ coi như mảnh giấy là tấm huy chương Tổ quốc đã ghi tặng.