Doanh nghiệp bảo đảm đủ hàng hóa, không tăng giá
Sau khi Hà Nội phát hiện đối tượng nhiễm Covid-19, ngay trong ngày 7/3 sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, mỹ tôm, giấy vệ sinh đã tăng đột biến.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Vụ đã yêu cầu các siêu thị tăng nguồn cung ứng, sẵn sàng bổ sung hàng từ ngoại tỉnh về Hà Nội.
Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải niêm yết giá với tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm thay vì chỉ niêm yết giá với các sản phẩm phòng chống dịch như trước đây. Để kích thích mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với các đơn vị vận chuyển, đề nghị miễn phí chi phí vận chuyển trong thời gian dịch bệnh. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải |
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết, ngày 7/3 lượng khách đến mua sắm tại siêu thị Big C tăng 3 - 4 lần so với ngày thường. Mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh nhưng Big C vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. “Từ ngày 8/3 Big C mở cửa bán hàng từ 8 giờ đến 24 giờ, đồng thời cam kết không tăng giá sản phẩm” - bà Phương thông tin.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng đã tăng dự trữ lượng hàng hóa tương đương với dự trữ cho dịp Tết vừa qua. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Hiện, hệ thống siêu thị Co.op Mart dự trữ lượng hàng hóa cho mùa dịch Covid-19 trị giá 500 tỷ đồng, trong đó số hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội trị giá 100 tỷ đồng. Đại diện MM Mega Market khẳng định bảo đảm được lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống phân phối bởi đã ký kết với DN cung ứng gạo, thực phẩm chế biến, tươi sống và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với số tiền 1.200 tỷ đồng. Siêu thị cũng đã tăng lượng hàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như khẩu trang y tế, nước rửa tay từ 190% lên 1.500%.
Nhằm bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, chống khan hàng tăng giá, các siêu thị đã yêu cầu DN nhà cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá bán.
Ngăn chặn tình trạng thu gom kiếm lời bất chính
Thực tế, trong ngày 7/3, đã xảy ra hiện tượng một số người lợi dụng tâm lý dự trữ hàng hóa của người dân để thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... Tổng Giám đốc BRG Retail Nguyễn Thái Dũng phản ánh, DN đã phát hiện một số tư thương mua gom hàng hóa số lượng lớn để găm hàng, đầu cơ. Điển hình ngày 7/3, hệ thống siêu thị BRG nhận được đơn hàng đặt mua 120 lọ nước rửa tay trị giá khoảng 6 triệu đồng, nhận thấy dấu hiệu trục lợi, DN không phục vụ khách hàng đó. Ngoài ra để hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi khi mua sắm tại siêu thị, BRG Retail quy định mỗi khách hàng được mua tối đa 5 kg gạo, 2 lít dầu ăn và 2 thùng mì tôm.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng cho biết, để ngăn chặn hiện tượng này, Tổng cục QLTT đã có công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV ngày 7/3/2020 yêu cầu các Cục QLTT các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, định giá bán bất hợp lý những loại hàng hóa thiết yếu. Theo Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên, đơn vị đã chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. “QLTT Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dự trữ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý; Bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…thu lợi bất chính” - ông Kiên chia sẻ.