Nguồn cung thắt chặt đẩy giá dầu hôm nay tiếp tục tăng vọt

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại nguồn cung dầu bị thắt chặt do các nước từ chối nhập khẩu dầu thô của Nga khiến giá dầu hôm nay tăng vọt, cả WTI và Brent đều trên 100 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 2/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 105,82 USD/thùng, tăng 2,41 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 106,90 USD/thùng, tăng 1,93 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phân tích của các chuyên gia, sau khi Mỹ và các nước đồng minh công bố nhiều biện pháp trừng phạt Nga đẩy giá dầu ngày 2/3 tăng mạnh. Các lệnh trừng phạt này có thể không nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng, nhưng về lâu dài có thể gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung bởi các vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển, thanh toán hợp đồng.

Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới - AP Moeller-Maersk A/S (MAERSKb.CO) - đã ngừng vận chuyển container đến và đi từ Nga, trong khi Anh đã cấm tất cả tàu có bất kỳ kết nối nào với Nga vào các cảng của mình.

Một loạt các công ty dầu khí lớn như BP, Shell... cũng công bố kế hoạch rút khỏi các liên doanh và dự án đầu tư năng lượng ở Nga.

Tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu có thể trầm trọng hơn nếu như chính phủ các nước từ chối nhập khẩu dầu thô của Nga và phải đi tìm các nguồn cung dầu khác thay thế. Hiện Canada là quốc gia duy nhất thông báo về việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục leo thang trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Nhiều dự báo cho thấy, nếu tình hình Nga - Ukraine không hạ nhiệt, giá dầu sẽ sớm cán mốc 110 USD/thùng thời gian tới, bởi áp lực kép do nguồn cung suy yếu trong khi nhu cầu lại tăng cao.

Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, đà tăng của giá dầu hôm nay bị hạn chế do thông tin các nước thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược của họ. Mặc dù vậy, tác động này được đánh giá là không nhiều và là “con dao 2 lưỡi” cho thấy áp lực thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường dầu thô ngày một lớn.