Nguồn lực hạn chế “kìm hãm” chất lượng khuyến công

Khắc Kiên - Nguyễn Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sự hạn chế của các nguồn lực đang ảnh hưởng đến chương trình khuyến công quốc gia… 7 nội dung của chương trình đều đòi hỏi sự tập trung rất lớn về nguồn lực, đặc biệt đó là nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương hết sức quan trọng. Còn các bộ: Công thương, Tài chính, NN&PTNT… cần tạo lên bộ khung pháp lý để diễn giải, tạo nên những đồng nhất”.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bên lề Hội nghị Sơ kết tình hình thực hiện Chương trình Khuyến công Quốc gia giai đoạn 2014 - 2018. Tính từ năm 2014 - 2019, Việt Nam đã có 5 năm để triển khai chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định 1288 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đánh giá và tập trung sơ kết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra một số khó khăn, bất cập còn tồn tại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Khắc Kiên
Vẫn chưa chú trọng
Trước hết, ý nghĩa, mục tiêu yêu cầu của Chương trình Khuyến công Quốc gia là rất lớn khi hướng tới mục tiêu rất cơ bản về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Trên cơ sở đó để tạo ra chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cũng như điều chỉnh cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và có hiệu quả hơn để phục vụ cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nhưng sự hạn chế của các nguồn lực đang ảnh hưởng đến chương trình, trong đó có những mục rất quan trọng như tổ chức, giới thiệu, trình diễn công nghệ để đưa vào ứng dụng, nâng cao hơn nữa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Tiếp theo của việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong khuyến công là gắn với phát triển bền vững, xử lý có hiệu quả vấn đề về ô nhiễm môi trường. Đây có thể coi là nguy cơ rất lớn trong phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Khi vai trò của các thành phần kinh tế tại các địa phương chủ yếu là các DN nhỏ, các làng nghề, các hộ kinh tế, những khoảng trống của pháp lý còn thiếu rất nhiều để có một cơ chế, chính sách và những nội dung điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Thứ ba, công tác đào tạo nghề để phục vụ cho truyền nghề, trao đổi nghề và tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống cũng đòi hỏi những quan tâm của các chính quyền địa phương. Vì vậy, đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung phải gắn với đặc thù từng ngành nghề tại khu vực địa phương, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập đi kèm những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống gắn với làng nghề lại là một nền tảng rất quan trọng để giữ được bản sắc văn hóa, chứ không chỉ những giá trị vật chất đơn thuần.
“Công tác đào tạo vô cùng quan trọng không chỉ của địa phương đó mà còn là văn hóa của cả xã hội nói chung, nhất là chương trình phát triển nông thôn mới cũng là nền tảng quan trọng. 7 nội dung của chương trình khuyến công quốc gia đều đòi hỏi sự tập trung rất lớn về nguồn lực, đặc biệt đó là nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương hết sức quan trọng. Còn ở Trung ương, các bộ: Công thương, Tài chính, NN&PTNT… cần tạo lên bộ khung pháp lý để diễn giải, tạo nên những đồng nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong 5 năm chương trình thực hiện vừa qua, tính trung bình mỗi năm tổng kinh phí của chương trình là 130 tỷ đồng, chia cho 63 tỉnh, thành cả nước có thể thấy rằng, sự hạn chế của nguồn lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của khuyến công quốc gia. Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đối ứng và những nguồn vốn từ địa phương để phục vụ cho chương trình phụ thuộc rất nhiều vào nhìn nhận đánh giá, quan điểm phát triển của lãnh đạo địa phương.
Trên thực tế, có nhiều địa phương phát huy tốt và tạo ra sự gắn kết giữa các mục tiêu phát triển mang tính toàn diện, tổng thể. Nhưng có những địa phương đặt nhẹ, chưa quan tâm chương trình nên tổ chức hình thức, chất lượng không được đảm bảo.
Sản xuất cơ khí tại một hộ gia đình trong làng nghề Rùa Hạ, xã Thanh Thuỳ, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên 
4 nội dung trọng tâm
Để giải quyết những khó khăn, bất cập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Một là thống nhất quan điểm nhìn nhận về khuyến công quốc gia trong tổng thể chính sách phát triển quốc gia, nhất là chiến lược công nghiệp quốc gia, chiến lược hội nhập quốc tế cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta xác định rõ vai trò của công nghiệp quốc gia, nhưng trong đó các công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp. Từ đó mới định vị chính xác được khuyến công quốc gia có vai trò như thế nào trong chính sách quốc gia.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kể cả trong công tác năng lực, tổ chức triển khai thực hiện. Ba là, chất lượng đội ngũ nhân lực trong công tác khuyến công và đặc biệt trong phối hợp tổ chức tạo ra những liên kết với các ngành nghề, hiệp hội cũng như trong khuôn khổ pháp luật trong các chương trình khuyến nông, xúc tiến thương mại quốc gia, các chương trình về du lịch… đây đều là nền tảng quan trọng để đảm bảo được tính bền vững, hiệu quả của chương trình khuyến công quốc gia.
Bốn là, thế giới và khu vực đang có những biến động tác động nhanh chóng đến sự phát triển của Việt Nam. Do đó, cần đánh giá để đổi mới cả về hình thức, nội dung gắn với chất lượng của chương trình khuyến công quốc gia, với hội nhập, khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế, cũng như bảo đảm thì trường nội địa cho khu vực Việt Nam đang tham gia. Đây là 4 nội dung trọng tâm Việt Nam phải đổi mới, tập trung trong thời gian tới. Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết, đánh giá đầy đủ của giai đoạn 2014 - 2020, phục vụ cho xây dựng chiến lược giai đoạn 2021 - 2030.
Phải có ưu đãi hỗ trợ cho các dự án để phát triển các công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của làng nghề tại địa phương. Từ đó các hoạt động của khuyến công quốc gia bao gồm cả đào tạo chuyển đổi nghề, truyền nghề hay ứng dụng công nghệ… mới có thể biến những hoạt động đó thành những hoạt động sản xuất, thương mại, tạo ra những chuyển biến trong năng lực cạnh tranh sản phẩm, tiếp cận thi trường, cũng như hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn và thành thị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần