Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo”: Hà Nội có ưu thế của lịch sử ngàn năm

Vũ Cúc - Linh Anh - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/9, Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội".

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến, đề xuất chính sách, giải pháp cho Hà Nội trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo ''Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội''.

Dự Hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, PGS.TS Đoàn Minh Huấn; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và TP Hà Nội; các nhà khoa học, nhà quản lý.

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, nơi hội tụ, kết tinh và lan toả những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử 1.000 năm hình thành và phát triển. “Vùng đất kinh đô Thăng Long - Hà Nội đã được tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, xây dựng bởi di sản văn hoá đồ sộ, vô giá, nơi hội tụ văn hoá mọi vùng miền để chắt lọc nên giá trị Thăng Long - Hà Nội, được kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng văn hóa Tràng An, văn hoá xứ Đoài. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam thống nhất trong đa dạng, với Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.

“Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô. Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hoà bình, hữu nghị và người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, Hà Nội hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Chính quyền Hà Nội có quyết tâm chính trị cao hướng tới mục tiêu đổi mới, sáng tạo, gia tăng sức hấp dẫn, hội tụ, lan tỏa văn hóa Thủ đô trên tinh thần “hợp tác, đầu tư và cùng phát triển”, đồng hành cùng các doanh nghiệp thiết kế sáng tạo và gieo mầm cho những ước mơ khởi nghiệp.

Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các chính sách của thành phố với thúc đẩy sáng tạo, như: Tọa đàm Hợp tác công - tư thúc đẩy sự phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội; Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019; phát triển nhiều chương trình văn hóa hấp dẫn, nâng tầm sáng tạo; xây dựng các chương trình, dự án hướng tới các mục tiêu của mạng lưới ở cấp độ quốc tế, góp phần nuôi dưỡng tài năng, kích thích năng lực sáng tạo … 

Bên cạnh đó, ông Đoàn Minh Huấn đánh giá, Hà Nội cũng đang gặp không ít thách thức trong việc phát huy nguồn lực văn hóa từ sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; các không gian sáng tạo còn hoạt động ở mức độ nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều nghệ sĩ đam mê sáng tạo văn hóa và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại…

Xây dựng, nuôi dưỡng các giá trị trong nhân cách con người Hà Nội

 PGS.TS Tạ Ngọc Tấn đóng góp các ý kiến trong việc xây dựng nguồn lực văn hóa trong chiến lực phát triển ''Thành phố sáng tạo'' của Hà Nội.

Đóng góp ý kiến trong viêc xây dựng nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn đề cập đến hai lĩnh vực là văn hoá sống của con người và văn hoá cảnh quan của Thủ đô. Về văn hoá sống của con người, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, người Hà Nội cần phát huy truyền thống thanh lịch “chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; xây dựng chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại, có tiếp thu giá trị truyền thống gắn với những giá trị tiêu biểu của dân tộc.

Còn về “văn hóa cảnh quan của Thủ đô Hà Nội”, Hà Nội cần lưu ý đến việc điều chỉnh quy hoạch cũng như xây dựng các công trình văn hóa như tượng đài, công trình điêu khắc về các danh nhân của Hà Nội và cả nước; các công trình kiến trúc dân dụng cần phải có bóng dáng đặc trưng dân tộc. Ngoài ra, Hà Nội cần chú trọng đến việc cải tạo đường phố, các khu vực công cộng, ý thức bảo tồn những dấu tích lịch sử.

Tham luận tại hội thảo, GS, TS. Đinh Xuân Dũng - Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, một đặc trưng rất quan trọng của văn hóa Hà Nội là bản thân Hà Nội là nơi kết hợp giữa những giá trị văn hóa đã định hình với những giá trị, hiện tượng mới đang ngày càng xuất hiện - vừa phong phú, hấp dẫn, vừa có phần hỗn tạp và thiếu quy hoạch. 

“Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội.

Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng văn hoá, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hoá, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng

Theo GS,TS. Đinh Xuân Dũng, tất cả những di sản, công trình, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật của Hà Nội từ hơn một ngàn năm nay đã trực tiếp nuôi dưỡng, phát triển và định hình nhân cách con người được sống, làm việc trong không gian văn hóa Hà Nội.

“Dù có nhiều ý kiến khác nhau, song hầu như ai cũng đều nhắc đến một đặc điểm nổi trội nhất của người Tràng An là thanh lịch” - GS, TS. Đinh Xuân Dũng nói và cho rằng đó là tài nguyên rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có như ở đây. Vấn đề là khả năng, năng lực khai thác nguồn tài nguyên đó như thế nào. 

Ở nhiều nơi và ở Hà Nội đều có kế hoạch khai thác giá trị của di sản văn hóa cho du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo nên sự tăng trưởng của kinh tế nói chung. Điều đó đúng và cần thiết. Song, cũng cần nghĩ rộng hơn. Khai thác, khai thông nguồn lực văn hóa ở Hà Nội, trước hết và quan trọng nhất là để xây dựng con người Hà Nội cho hôm nay và mai sau.

“Có nghĩa là, khai thông nguồn lực văn hóa có nhiệm vụ kép, không thể tách rời nhau là xây dựng, nuôi dưỡng các giá trị trong nhân cách con người Hà Nội và góp phần cho phát triển kinh tế du lịch Hà Nội” - GS,TS. Đinh Xuân Dũng cho hay. 

Tạo điều kiện phát triển công nghiệp sáng tạo

Hiến kế các giải pháp cho công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách để nâng cao nhận thức và tạo điều kiện phát triển công nghiệp sáng tạo của Thủ đô. Sau khi đạt được danh hiệu thành phố sáng tạo, đây chính là cơ hội để Hà Nội khẳng định tên tuổi của mình trong khu vực và trên trường quốc tế. 

Đáng chú ý, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, Hà Nội cần thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô. Đã gần 1 năm kể từ khi được công nhận là thành phố sáng tạo, Hà Nội chưa làm được gì nhiều để thực hiện chương trình hành động đã cam kết với UNESCO.

“Sở dĩ có tình trạng này là vì Hà Nội chưa thành lập được Ban điều phối Thành phố Sáng tạo như kế hoạch, theo đó, Ban điều phối Thành phố Sáng tạo Hà Nội trực thuộc UBND TP Hà Nội. Hội đồng chuyên gia từ cộng đồng thiết kế sẽ được mời với vai trò hỗ trợ và định hướng để thực hiện các sáng kiến sáng tạo, thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa Hà Nội với các thành viên khác trong Mạng lưới…” - ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Ngoài ra, ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần hình thành và sử dụng các không gian sáng tạo để tạo môi trường kết nối tài năng sáng tạo và thực hành các ý tưởng sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 190 không gian sáng tạo.

Đây là những địa điểm cần thiết và quan trọng để kết nối những người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và thể nghiệm những ý tưởng mới nên các địa điểm này cần phải được xem là các doanh nghiệp phi lợi nhuận để được hưởng những ưu đãi dành cho các đối tượng đặc biệt này. “Được như vậy, các không gian sáng tạo sẽ tạo ra tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô” - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

“Thành phố sáng tạo định hướng Thủ đô sáng tạo” giúp cho Hà Nội thực hiện những sáng kiến phát triển dựa trên một thái độ chủ động, cởi mở chia sẻ về những lựa chọn ưu tiên đầu tư của TP với các đối tác tư nhân và quốc tế” - Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Ứng dụng kết quả hội thảo để phục vụ cho các công tác lãnh đạo, quản lý

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, hội thảo đã nhận được 97 bài tham luận, trong đó có tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý thực tiễn ở T.Ư và Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá, các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa, đô thị sáng tạo, thương hiệu sáng tạo; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội; tham chiếu một số kinh nghiệm quốc tế về phát huy nguồn lực văn hóa, về xây dựng đô thị sáng tạo, thương hiệu sáng tạo, nhằm giúp Việt Nam từng bước hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo trong cả nước, hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, các tham luận và ý kiến đã nhận diện những điều kiện mới hiện nay ảnh hưởng, tác động đến quá trình xây dựng văn hóa, con người cũng như việc phát huy nguồn lực văn hóa của nước ta nói chung và của Hà Nội nói riêng. Việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) về lĩnh vực thiết kế thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với Hà Nội, là cơ hội để thúc đẩy cho sự hợp tác quốc tế giữa Hà Nội với các thành phố trong Mạng lưới, hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa”, tạo nền tảng và động lực vững chắc cho đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô thông minh, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững.

Nhiều tham luận hiến kế cho chính quyền Hà Nội những giải pháp để khai thông, vốn hóa nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” với những điều kiện thực tiễn mới ở trong nước và thế giới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ rà soát, biên tập lại để ứng dụng kết quả hội thảo phục vụ trực tiếp cho các công tác lãnh đạo, quản lý.