“Tiền không thiếu, đất không thiếu, ngân sách nhiều, sao vẫn thiếu nhà ở?”
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí Reatimes vừa tổ chức, các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2021 - 2030, các nguồn vốn hỗ trợ cho thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định. Nguồn vốn thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của thị trường tài chính và chứng khoán trong thời gian tới.
Theo báo cáo nghiên cứu “Thị trường Bất động sản Việt Nam - Hành trình vượt bão và động lực phục hồi” do VIRES công bố, GDP Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 dự báo ở mức trung bình 6,2 - 6,8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 được dự báo có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn (khoảng 7%) nếu Việt Nam chuyển đổi số tốt, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tốt hơn.
Nguồn vốn cho thị trường bất động sản thời gian qua đã đóng góp vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển của thị trường. Trong đó, 6 nguồn vốn chính gồm: Nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn có quy mô lớn nhất và luôn giữ vai trò chủ đạo trên thị trường; Nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản bao gồm vốn từ thị trường chứng khoán; Nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhưng không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường; Nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; Nguồn vốn từ các quỹ đầu tư; Nguồn vốn ngân sách.
Nói về các vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, có 3 vấn đề cần tập trung xử lý.
Thứ nhất là đất không đến nỗi thiếu, tiền cũng không thiếu, ngân sách nhiều mà sao dân thiếu nhà ở, cứ liên tục trầm lắng? “Theo tôi, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề quản lý”- ông Nghĩa nói.
Thứ hai là khủng hoảng của thị trường bất động sản là khủng hoảng phân khúc. Hiện nay, phân khúc thiếu nhất là nhà ở giá rẻ, cần phải bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực.
Thứ ba là vấn đề tài chính, chúng ta phải có quỹ cho vay nhà ở hoặc quỹ tín thác nhà ở. Nếu hiện nay ngân hàng đang “thừa tiền”, chúng ta có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để ngân hàng mua, sau đó thành lập quỹ để cho vay mua nhà ở giá rẻ, cho người mua nhà vay trực tiếp.
Về thị trường trái phiếu, ông Nghĩa lấy ví dụ, gần đây nhất có doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường, một đợt phát hành 10.000 tỷ, đợt 2 phát hành 2.000 tỷ, tuy nhiên chỉ bán được 800 tỷ cho thấy niềm tin thị trường khá thấp. “Tôi hy vọng đợt phát hành sắp tới bán được thêm thì quý III năm 2024 mới có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chọn kênh đầu tư nào cuối 2023 và năm 2024?
Báo cáo VIRES cho biết, những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 sẽ là giai đoạn nhiều thách thức, song cũng có không ít các cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm và khẩu vị rủi ro của từng cá nhân; sẽ không có một công thức chung nhất cho toàn bộ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể cân nhắc một trong những kênh đầu tư chính như sau: Gửi tiết kiệm tại các ngân hàng; đầu tư vàng; đầu tư trái phiếu; đầu tư cổ phiếu và đầu tư bất động sản.
Trong quá trình thực hiện Báo cáo, các chuyên gia cũng có những nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng và phân tích về khả năng tăng trưởng của các phân khúc trên thị trường như bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp và bất động bán lẻ, văn phòng. Trong đó, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, triển vọng của phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền là rất khả quan.
“Trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thu hút vốn đầu tư vào phân khúc này (thuế, lãi suất, cơ chế huy động vốn, chính sách ưu đãi…); cũng như có những chính sách hỗ trợ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền hơn nữa”- nhóm nghiên cứu cho hay.