Nguy cơ gây ngộ độc khí CO từ những thiết bị hiện đại

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều bệnh nhân phải điều trị tích cực do bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện, bếp gas, nồi chiên dầu chạy bằng khí gas và điện. Chuyên gia y tế cảnh báo, dù bệnh nhân được điều trị kịp thời nhưng có thể không tránh khỏi hoàn toàn di chứng về sau.

Liên tiếp các ca ngộ độc CO

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận nhiều bệnh nhân có hiện tượng nôn trớ, hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc khí CO (Carbon monoxide).

Đơn cử, 3 ca ngộ độc từ một căn bếp ở Hà Nội và một gia đình 2 mẹ con do dùng máy phát điện.

Bệnh nhân bị ngộ độc từ căn bếp khoảng 25 - 30m2, không có mùi gì bất thường, có 6 người cùng làm việc. Tuy nhiên, sau đó, có 2 nhân viên bị ngất, 1 nhân viên khác với những biểu hiện khó chịu được đưa Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị do ngộ độc khí CO.

Ảnh chụp não bệnh nhân 15 tuổi ở Nghệ An ngộ độc khí CO
Ảnh chụp não bệnh nhân 15 tuổi ở Nghệ An ngộ độc khí CO

 

Tại đây, theo các bác sĩ, nồng độ CO trong máu của bệnh nhân rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi bình thường chỉ khoảng dưới 1%, di chứng sau này có thể sẽ bị suy giảm trí nhớ. Đến nay đã hơn 10 ngày điều trị ô-xy cao áp, dùng thuốc dự phòng tránh biến chứng với tâm thần, thần kinh, bệnh nhân vẫn thấy mệt.

Cũng bị ngộ độc khí CO, nhưng gia đình 3 người tại Nghệ An lại do dùng máy phát điện. Trong đó, người bố bị ngộ độc nhẹ, điều trị ở địa phương và đã ra viện.

Bệnh nhân ngộ độc khí CO tại căn bếp ở Hà Nội
Bệnh nhân ngộ độc khí CO tại căn bếp ở Hà Nội

Còn 2 mẹ con được đặt nội khí quản, đưa thẳng đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, 2 mẹ con được điều trị, hồi sức, dùng các thuốc dự phòng di chứng với não.

TS Lê Quang Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, người mẹ (48 tuổi) đã tỉnh, được rút ống thở, nhưng con trai (15 tuổi) vẫn còn hôn mê và nguy kịch. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng có tổn thương đa cơ quan, đặc biệt não, tim, cơ, hô hấp và một số tạng khác.

Cả 2 mẹ con có tổn thương rõ trên não nên nguy cơ cao sau này sẽ gặp các di chứng muộn và cần theo dõi, điều trị rất cẩn thận. Riêng với người bố, do lúc đầu đã có bất tỉnh nên sau này cũng sẽ có nguy cơ cao gặp di chứng não.

Bác sĩ Thuận khám cho gia đình ở Nghệ An ngộ độc khí CO.
Bác sĩ Thuận khám cho gia đình ở Nghệ An ngộ độc khí CO.

“Các trường hợp ngộ độc lần này có lượng HbCO trong máu cao hơn cả các nạn nhân ở vụ cháy ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội hồi tháng 9/2023” - TS Lê Quang Thuận cho biết.

Cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc CO

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đơn vị tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO, không phải do cháy nổ. Mà do chạy máy phát điện để ở phòng thông với phòng có người sinh hoạt; ngồi trong xe ô tô kín và bị ngộ độc do hít phải khí CO từ khói của xe, sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas, bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện.

Vụ ngộ độc khí CO ở căn bếp tại nhà hàng nêu trên chắc chắn do các thiết bị đun nấu đốt khí gas nhưng cháy không hoàn toàn nên tạo ra khí CO. Đáng chú ý, căn bếp mới lắp đặt, các thiết bị đều hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn ngày đầu chạy thử. Loại bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện có nguy cơ cao hơn.

Tương tự, trước đó, 8 nhân viên một ngân hàng ở TP Biên Hòa lần lượt nhập viện với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, hồi hộp, khó thở, tim đập nhanh, và da ửng đỏ. Đặc biệt, có 3 bệnh nhân giảm tri giác và 1 thai phụ đang mang thai 29 tuần. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do máy phát điện chạy trong tầng hầm ngân hàng khi mất điện.

TS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, vấn đề chất lượng sản phẩm với thiết bị sử dụng khí gas để đảm bảo an toàn cho người sử dụng rất cần được đánh giá, xem xét và xử lý để các thiết bị phải đốt cháy khí gas hoàn toàn, tránh sinh ra lượng khí CO tới mức gây ngộ độc.

 TS Nguyễn Trung Nguyên cùng bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán hình ảnh tổn thương não của bệnh nhân ngộ độc CO.
 TS Nguyễn Trung Nguyên cùng bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán hình ảnh tổn thương não của bệnh nhân ngộ độc CO.

TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ thì gây buồn nôn, đau đầu, dễ tưởng nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn, nặng thì có thể khiến người/vật hít phải bất tỉnh và tử vong.

Do khí CO từ không khí nhanh chóng được hấp thu qua đường hô hấp vào máu, ở trong máu, CO gắn chặt với hồng cầu làm mất khả năng vận chuyển ô xy của máu tới các cơ quan. Các cơ quan hay bị tổn thương và thường bị nặng, bị sớm nhất là não, tim, cơ và các cơ quan khác. Hậu quả của ngộ độc là não, tim và các cơ quan bị tổn thương, suy sụp, tử vong hoặc di chứng lâu dài.

Đặc biệt, TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, 50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ. 1/3 người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau này do biến chứng loạn nhịp tim.

Người sau 35 tuổi bị ngộ độc CO thường nguy cơ bị di chứng nhiều hơn. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng.

Qua đó, chuyên gia khuyến cáo, các nơi có thể phát sinh khí CO như bếp cần phải có lắp các thiết bị theo dõi và báo động nồng độ khí CO, khí gas, kịp thời phát hiện, tránh các vụ ngộ độc hoặc cháy nổ đáng tiếc xảy ra.