Nguy cơ khủng hoảng xã hội vì túng quẫn tại Eurozone

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay sau khi một dược sĩ về hưu 77 tuổi tự sát vì túng quẫn, hàng nghìn người Hy Lạp đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ.

Tại quảng trường Syntagma, cách trụ sở Quốc hội Hy Lạp chỉ 100m, hoa và nến cùng những thông điệp chia xẻ đã được đặt tại gốc cây nơi xảy ra vụ việc đau lòng trên. Đêm 4/4, cảnh sát Athens đã phải dùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông, trong đó có một số người biểu tình quá khích đã ném đá và bom xăng vào lực lượng giữ an ninh. Tuy nhiên, ngay sáng sớm 5/4, nhiều người đã bắt đầu tập hợp tại quảng trường Syntagma, tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng kinh tế bi đát hiện nay. Trong bức di thư mà nạn nhân để lại, nguyên nhân của bi kịch này được tiết lộ là do mức lương hưu ít ỏi sau 35 năm công tác đã bị cắt giảm tới mức không thể nuôi sống nổi bản thân và ông không muốn phải tìm kiếm thức ăn thừa trong các thùng rác để sống qua ngày. Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp kéo dài gần 3 năm nay đã biến thành thảm họa do kinh tế suy giảm gần 7%, thất nghiệp tăng cao đã làm nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn. Đặc biệt, sau khi Athens thông qua các biện pháp "thắt chặt chi tiêu đến nghẹt thở" để đổi lấy hai gói cứu trợ, tiền lương và lương hưu bị cắt giảm từ 25 - 40% đã trở thành nguyên nhân khiến số người tự sát tại Hy Lạp tăng cao.

Điều đáng nói là các vụ tự sát gia tăng cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi tại cuộc họp Nghị viện Italia hôm 4/4. Ông Antonio Di Pietro, lãnh đạo đảng Nước Ý vì Những giá trị (IDV) chỉ trích những chính sách yếu kém của Thủ tướng Mario Monti đã dẫn đến làn sóng tự sát tại nước này. Hôm 4/4, một doanh nhân Italia 59 tuổi đã tự sát vì công ty xây dựng của ông sắp phá sản. Liên tiếp các ngày trước đó, một phụ nữ 78 tuổi ở Sicily đã tìm đến cái chết vì các khoản lương hưu hàng tháng bị cắt giảm trong khi một chủ hãng sản xuất khung tranh cũng có động thái tương tự do kinh tế khó khăn. Tuần trước, hai người đàn ông ở miền Bắc Italia đã tự thiêu do khủng hoảng tài chính nhưng may mắn được cứu sống. Tình cảnh hiện nay của Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa dù Thủ tướng Monti - một kinh tế gia lão luyện đã áp dụng nhiều biện pháp vừa phục hồi tăng trưởng vừa cắt giảm chi tiêu.

Rõ ràng, những sự việc đau lòng trên cho thấy cái giá của cuộc khủng hoảng nợ công không chỉ dừng lại ở nguy cơ phá sản của một đất nước mà còn tác động tiêu cực tới cuộc sống của từng cá nhân. Chính phủ các nước Eurozone cần phải làm nhiều hơn nữa để không biến một cuộc khủng hoảng kinh tế thành một cuộc khủng hoảng xã hội, tác động tiêu cực đến khu vực nói riêng và thế giới nói chung.