Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ lây lan dịch lở mồm long móng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc diễn biến khá phức tạp. Ngành nông nghiệp đang tập trung đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh có nguy cơ lây lan rất cao này.

 Tiêm phòng vaccine cho đàn lợn.
Theo Bộ NN&PTNT, trong hai tháng đầu năm 2020, cả nước có trên 100 ổ dịch LMLM trên gia súc xảy ra tại 9 tỉnh. Dù đã có nhiều nỗ lực khống chế, nhưng đến nay vẫn còn 80 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 8 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Tiền Giang, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tổng số gia súc bị mắc bệnh là 2.833 con, gồm 270 con trâu, 2.550 con bò và 13 con lợn. Trong đó, số gia súc bị chết là 82 con.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, nguyên nhân khiến dịch bệnh LMLM bùng phát và lây lan thời gian qua là bởi đàn gia súc tăng nhanh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ vẫn còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi bất lợi tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển. Đặc biệt, công tác tiêm phòng trên đàn gia súc tại nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp...
Để chủ động phòng chống dịch bệnh LMLM, Bộ NN&PTNT đã ban hành và tổ chức thực hiện khá hiệu quả “Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh LMLM giai đoạn 2016 – 2020”. Trong đó, chú trọng giải pháp tiêm phòng vaccine LMLM cho đàn gia súc. Riêng trong năm 2019, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng được trên 33 triệu liều vaccine.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, theo thống kê, lượng vaccine phòng dịch LMLM trong kho của các DN có thể cung ứng cho thị trường hiện khoảng 17 triệu liều. Dự kiến năm 2020, số lượng vaccine được sản xuất và nhập khẩu là 37 triệu liều. Đáng chú ý, các DN trong nước đã bước đầu nghiên cứu, sản xuất được vaccine LMLM. Điều này sẽ góp phần tăng cường chủ động phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan rất cao này.
Trước diễn biến dịch bệnh LMLM được nhận định còn phức tạp trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương đang có dịch cần tập trung nguồn lực, áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm sớm kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình giấu dịch, không khai báo khiến dịch bệnh lây lan. Đối với các tỉnh, TP chưa có dịch, Bộ khuyến cáo khẩn trương tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Đồng thời rà soát, kịp thời tiêm vaccine phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc, nhất là tại những ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao…