Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ lớn cho nông nghiệp châu Âu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại Hà Lan, Đức và Anh, một số quốc gia như Hàn Quốc và Macedonia đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ thịt và trứng gia cầm từ 3 nước này.

Không chỉ giáng mạnh vào các trang trại tư nhân, dịch cúm gia cầm còn đe dọa tới sự hồi phục của ngành nông nghiệp châu Âu sau khi bị thiệt hại nặng bởi các biện pháp trả đũa của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.

Ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm ở các vùng có dịch, lập các vùng bảo vệ, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm tại “lục địa già” do châu Âu đang trong mùa chim di trú. Hiện, các trang trại chăn nuôi tại Na Uy, Đan Mạch đang là những quốc gia có khả năng trở thành nạn nhân tiếp theo khi đã xuất hiện những thông tin về các ổ dịch cúm gia cầm giống với chủng virus cúm H5N8. Điều đáng nói là sự xuất hiện của dịch bệnh gia cầm lần đầu tiên tại Đức kể từ tháng 3/2009, tại Anh từ năm 2008 và tại Hà Lan là từ năm 2003 đã gây ra những áp lực đáng kể cho hệ thống y tế và là đòn giáng mạnh vào nền nông nghiệp châu Âu sau khi chịu thiệt hại hàng trăm tỷ Euro do lệnh cấm nhập khẩu rau quả, các sản phẩm từ thịt của Nga.

Chủng cúm gia cầm được xác định tại châu Âu là virus H5N8 có độc lực cực mạnh, buộc giới chức 3 quốc gia có dịch phải ra lệnh tiêu hủy hàng trăm ngàn con gia cầm, gây ra thiệt hại về vật chất đáng kể cho chủ các trang trại. Trong tương lai, chắc chắn số quốc gia cấm nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ châu Âu sẽ tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thương. Chủ các trang trại gia cầm lo ngại nếu EU không nhanh chóng hành động, một cuộc khủng hoảng giống như "cơn ác mộng bò điên" cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước sẽ lặp lại. Khi đó, nỗi ám ảnh về dịch bệnh bò điên đã đẩy ngành chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ thịt bò tại Anh và một số quốc gia châu Âu lâm vào khủng hoảng, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của cả một thế hệ và thiệt hại cho ngành nông nghiệp châu Âu không dừng lại ở con số vài tỷ USD mà đã lên tới hàng trăm tỷ USD.