Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ mất an toàn đê điều, hồ chứa trước bão số 8

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/10, bão số 8 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14.

Một tuyến đê biển tại miền Trung bị sạt lở. Ảnh: Vietnamplus.
Chủ động ứng phó với nguy cơ bão số 8, Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu/289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa (vùng ảnh hưởng của bão) là 19 phương tiện với 187 lao động. Tất cả tàu thuyền đều đã nắm được thông tin về bão số 8 đang di chuyển để tránh trú.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay, tại khu vực dự kiến ảnh hưởng bão số 8 có 72.498ha nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó là 10.482 lồng, bè. Tổng cục Thủy sản đã có công điện gửi Sở NN&PTNT các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Nam đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 8.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là an toàn đê điều và hồ chứa. Hiện, khu vực Trung Bộ có 30 hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết qua tràn. Toàn khu vực có 2.840 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 79 hồ hư hỏng nặng, 72 hồ đang thi công.
Hệ thống đê các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có tổng chiều dài 2.611km, gồm 810km đê biển, đê cửa sông và 1.651km đê sông. Trong đó có 74 vị trí xung yếu. Cụ thể, 53 vị trí đê biển, đê cửa sông với tổng chiều dài 131,70km và 21 vị trí tuyến đê sông từ cấp III trở lên.
Thông tin cập nhật từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, đến sáng nay (22/10), vẫn còn 46.785 hộ dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bị ngập. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã sơ tán tổng số 59.296 hộ với 206.755 người.
Mưa lũ kéo dài tại miền Trung đến nay đã khiến ít nhất 135 người chết và mất tích. Trong đó, có 113 người chết. Nguyên nhân thương vong chủ yếu đế từ sạt lở đất: 60 người; lũ: 62 người. Ngoài ra, tai nạn trên biển: 8 người và nguyên nhân khác: 5 người.