Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ thừa căn hộ trung và cao cấp

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu về sản phẩm căn hộ bình dân, vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất nhưng thực tế căn hộ trung, cao cấp lại luôn chiếm tới 70 – 80% tổng nguồn cung. Do vậy, các chuyên gia cảnh báo, sau giai đoạn dịch Covid-19, dòng sản phẩm căn hộ trung và cao cấp có nguy cơ khủng hoảng thừa.

Giao dịch giảm sút
Phó Giám đốc sàn giao dich BĐS IP Land Trần Quốc Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng giao dịch sản phẩm căn hộ trung và cao cấp tại đơn vị này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, số lượng khách hàng hỏi mua căn hộ bình dân tăng lên. “Có đến 80% lượng khách liên hệ với sàn giao dịch đều hỏi mua sản phẩm căn hộ giá rẻ, phần còn lại hỏi mua căn hộ trung cấp” – ông Việt cho hay.
 Sản phẩm nhà ở giá rẻ ngày càng thiếu trên thị trường. Ảnh: Doãn Thành
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, cơ cấu phân khúc căn hộ đang có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, tỷ trọng nguồn cung sản phẩm được chào bán cao nhất là phân khúc nhà ở trung cấp chiếm 67%, phân khúc cao cấp đứng thứ hai chiếm 25%, tiếp đến phân khúc hạng sang chiếm 6%, phân khúc bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung.
Trong khi đó, từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng giao dịch dòng sản phẩm này tiếp tục giảm sút mạnh theo đà từ năm 2019. Thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, sản phẩm trung cấp có tỷ lệ hấp thụ thấp nhất ở mức 17%, lượng giao dịch cũng giảm 57% so với quý IV/2019 và giảm 51% so với cùng kỳ. Trong khi đó, phân khúc bình dân đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 20%, do nguồn cầu ngày càng tăng nhưng nguồn cung lại khan hiếm.
“Lượng sản phẩm giao dịch thành công từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019” - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho hay.
Cần ưu tiên sản phẩm giá rẻ
Số liệu từ Bộ Xây dựng chỉ ra nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở đến năm 2020, cả nước cần 12,5 triệu mét vuông nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại mới hoàn thành được khoảng 35% mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thời điểm hiện tại, khi các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu khôi phục trở lại sau thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19, nhu cầu mua nhà của người dân giảm mạnh. Vì vậy, các chủ đầu tư cần phải định hướng lại dòng sản phẩm chủ lực của mình trong quá trình phát triển dự án.
Nếu cứ tập trung vào sản phẩm trung và cao cấp mức đầu tư lớn, trong khi thanh khoản chậm sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh gặp khó khăn do không thu hồi được vốn. Ngược lại, nếu đầu tư vào dòng sản phẩm rẻ tiền hơn, mức đầu tư thấp, thanh khoản nhanh sẽ giúp cho DN có vốn để phục hồi sản xuất. “Nhà ở giá rẻ là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao. Vì vậy, DN phát triển BĐS nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội” – ông Đính nhận định.

"Căn hộ bình dân, giá rẻ đang trở nên khan hiếm là quy luật tất yếu khi chi phí đầu vào từ giá đất, xây dựng, kết nối hạ tầng… đều tăng. Trong khi đó, lợi nhuận chủ đầu tư thu về lại thấp hơn so với đầu tư các phân khúc căn hộ khác. Do đó, sự mất cân đối lệch pha giữa nhu cầu thị trường và nguồn cung có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới." - Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung