Nhanh chóng được nhiều người dân tiếp cận vì tính tiện lợi của dịch vụ nhưng mô hình Airbnb đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú và gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Khó quản lý
Anh Nguyễn Ngọc Phương, trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì đang thuê lại một căn nhà 5 tầng tại ngõ 31 phố Xuân Diệu (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) để kinh doanh Airbnb. Nếu khách thuê kín phòng cả tháng, trừ tất cả chi phí, anh thu về lợi nhuận khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. “Khi thuê lại căn nhà để kinh doanh, ngoài phần tiền nhà phải thanh toán 6 tháng một lần, tôi cũng phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để sửa sang và mua sắm một số thiết bị nội thất phục vụ nhu cầu thiết yếu cho khách ở” - anh Phương chia sẻ.
|
Airbnb chưa đăng ký nhận diện thương hiệu tại Việt Nam, nhưng đã có nghĩa vụ pháp lý phải đóng thuế. |
Qua hoạt động kinh doanh, anh Phương đã tập hợp được một nhóm khoảng 20 người cùng làm dịch vụ này tại khu vực Hà Nội và các tỉnh, TP có du lịch phát triển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Những người trong nhóm sẽ chia sẻ khách cho nhau, nếu khách hàng đang sử dụng sản phẩm tại Hà Nội có nhu cầu đi đến các địa phương khác thì chủ nhà sẽ cho số điện thoại để khách trực tiếp gọi đến thuê.
“Trước sự cạnh tranh của thị trường, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn nên chúng tôi phải làm như vậy để tăng thêm hiệu quả cho thuê” - anh Phương nói.
Đến thời điểm hiện tại, ứng dụng Airbnb đã được phổ biến rộng rãi tại trên 34.000 TP thuộc hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của Công ty chủ quản Airbnb (tại thung lũng Silicon Valley, bang California, Mỹ), nếu như vào năm 2012, sau 5 năm thành lập, lượng người sử dụng ứng dụng này khoảng 10 triệu lượt, thì đến hết năm 2018 đã tăng lên trên 60 triệu lượt người truy cập.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú Airbnb đang là thách thức. Việt Nam chưa có một văn bản luật cụ thể liên quan đến công tác quản lý hành chính đối với dịch vụ kinh doanh này.
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) Phạm Ngọc Trung cho biết, hiện nay khi vào ứng dụng để tra cứu thì trên địa bàn phường cũng xuất hiện nhiều căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú Airbnb.
Tuy nhiên, trên thực tế, phường cũng không nắm rõ được số lượng cụ thể những người tham gia kinh doanh vì họ không khai báo với chính quyền. “Việc quản lý những đối tượng kinh doanh này tại địa bàn là tương đối khó khăn do chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn thực hiện” - ông Trung nói.
Cần siết chặt cơ chế
Số liệu thống kê từ Công ty chủ quản Airbnb, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng khách hàng cho thuê sử dụng ứng dụng của Airbnb thuộc top đầu thế giới, với hơn 6.500 sản phẩm cho thuê trên toàn quốc.
Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương có hoạt động du lịch phát triển như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt...
Việc Airbnb xâm nhập thị trường Việt Nam đang tạo ra sự canh tranh không công bằng với các loại hình cung cấp dịch vụ lưu trú truyền thống, đặc biệt là hệ thống khách sạn. Giá của một căn hộ Airbnb thường thấp hơn từ 20 - 30% so với việc thuê một căn phòng khách sạn, trong khi tiện nghi của căn hộ Airbnb được cho là tương đương với các sản phẩm khác.
TS Nguyễn Minh Ngọc - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, giá thuê của Airbnb rẻ hơn các sản phẩm khác vì nó không phải mất nhiều chi phí vận hành và quan trọng hơn mô hình này đang “lách” được phần thuế kinh doanh dịch vụ phải đóng cho Nhà nước.
“Do không phải mất các khoản chi phí đó nên Airbnb đã cạnh tranh bằng cách hạ giá thành dịch vụ, tạo ra một cuộc chơi không cân bằng so với các sản phẩm cùng phân khúc” - ông Ngọc nói.
Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của Airbnb, Việt Nam cần sớm ban hành những điều khoản pháp lý cho sự hoạt động của mô hình này, như quy định về đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ... đặc biệt là siết chặt chính sách về thu thuế.
Trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam đã có Thông tư 103/2104/TT-BCT và Công văn 848/BTC-TCT của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý thuế và thu thuế đối với một số website đặt phòng trực tuyến như Agoda, Traveloka, Expedia... Những văn bản này đều có thể áp dụng cho mô hình Airbnb.
Theo quy định pháp luật hiện hành, dù tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đều được xác định là người nộp thuế và là đối tượng điều chỉnh của thuế nhà thầu.
“Vì vậy, Việt Nam đã có cơ sở pháp lý để thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN đối với Airbnb” - TS Nguyễn Minh Ngọc cho hay.
"Cơ sở lưu trú của Việt Nam tham gia kinh doanh trên Airbnb hầu hết là các cá nhân và hộ gia đình, giao dịch được thực hiện qua mạng internet, không xuất hóa đơn, không có sổ sách kế toán và được Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Airbnb vẫn chưa thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Airbnb sẽ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế Việt Nam." - Luật sư Nguyễn Thị Nga - Hội Luật gia Việt Nam
Airbnb là viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast, là một mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động tương tự như ứng dụng chia sẻ xe Grab. Tất cả việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua Airbnb, sử dụng thẻ tín dụng và nhà trung gian này sẽ thu một khoản phí đối với cả người cần đặt phòng và chủ nhà. |