Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm trị mụn bằng thuốc trôi nổi

Giang Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm da, mặt, cổ và chi chít mụn bọc mủ do dùng thuốc trôi nổi được quảng cáo trên các trang facebook, mạng xã hội. Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để điều trị đúng bệnh, đúng phác đồ.

 Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da Liễu Hà Nội. Ảnh: Trần Anh
Hậu quả nghiêm trọng
Nam bệnh nhân 22 tuổi, ở Hà Nội, đến khám tại Bệnh viện (BV) Da liễu T.Ư trong tình trạng nhiều mụn mủ, mụn bọc gần như kín hết vùng mặt, và các tổn thương sẩn mụn mủ rải rác tay, lưng, thân mình. Bệnh nhân này cho biết, nghe quảng cáo trên facebook về tác dụng thần kỳ của bộ sản phẩm điều trị mụn gồm thuốc nam dạng viên hoàn uống và thuốc bôi, anh đã đặt mua và sử dụng. Sau một tháng, tổn thương trứng cá của bệnh nhân biến mất nhanh chóng, nhưng 2 tuần sau đó, mụn mủ mọc kín khắp vùng mặt, vùng cổ, hai cánh tay và lưng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi - BV Da liễu T.Ư cho biết, đây là trường hợp điển hình của biến chứng do dùng thuốc không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân N.T.H. (19 tuổi, ở Hà Nội) cũng bị sưng nề vùng mặt, mụn mủ do dùng kem trị mụn không rõ nguồn gốc. Trước đó, bệnh nhân bị mụn trứng cá, nghe theo quảng cáo trên facebook, bệnh nhân đến một spa và được tư vấn mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da điều trị mụn trứng cá gồm 12 sản phẩm. Trong số đó, có một loại đựng trong chai thủy tinh không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.
Sau một tuần sử dụng, bệnh nhân thấy mặt xuất hiện nhiều mụn mủ, mẩn đỏ và ngứa. Khi quay lại spa, chị H. được nhân viên giải thích đó là do phản ứng đẩy nhân mụn của thuốc và chích nặn nhân mụn cho chị. Spa tư vấn bệnh nhân tiếp tục sử dụng mỹ phẩm để trị mụn. Sau hai tuần, chị H. thấy tình trạng da ngày càng xuất hiện nhiều mụn mủ, vảy tiết và sưng nề mặt mới ngưng sử dụng và đến BV Da liễu T.Ư khám.
Theo bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thảo Nhi – BV Da liễu T.Ư, da mặt là một vùng da rất nhạy cảm và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhiều chị em nghe theo quảng cáo nên chọn mua mỹ phẩm trên mạng không rõ nguồn gốc. Trong số đó, không ít mỹ phẩm là kem trộn có chứa corticoid được quảng cáo là triệt tiêu mụn, sáng da “thần tốc” khiến người dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sử dụng, người bệnh sẽ xuất hiện nhiều trứng cá, nếu ngừng sử dụng sẽ bị sưng nề, xuất hiện mụn mủ. Thông thường dùng corticoid bôi liên tục trong 2 - 4 tháng có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc. Corticoid bôi càng nhiều, thời gian để gây nghiện thuốc càng ngắn, giãn mạch mạnh gây đỏ da, phù nề, gây sẩn mụn mủ.
Bác sĩ Thảo Nhi cũng cho biết, tại BV, đã có hàng trăm bệnh nhân bị biến chứng do dùng thuốc trị mụn, làm trắng da không rõ nguồn gốc đến khám và điều trị. Những bệnh nhân đã dùng corticoid dài ngày, việc điều trị vô cùng gian nan, mất nhiều thời gian.
Hãy nói không với thuốc, mỹ phẩm trôi nổi
Bác sĩ Nhi giải thích, trứng cá là một bệnh viêm nang lông tuyến bã thường xuất hiện ở vùng mặt, ngực, lưng, hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trứng cá ở độ tuổi dậy thì của con là bình thường. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm dễ để lại hậu quả sẹo lõm, sẹo lồi, ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ sau này của trẻ. Tuy là bệnh lý da liễu thông thường nhưng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu điều trị không đúng, vì vậy bệnh nhân cần đến các phòng khám chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ chuyên ngành thăm khám và tư vấn liệu trình điều trị thích hợp.
Trứng cá do thuốc là trường hợp mụn trứng cá xuất hiện sau khi sử dụng thuốc dạng bôi tại chỗ hay dạng uống, dạng tiêm, người bệnh dù có tiền sử trứng cá hoặc không trước khi sử dụng thuốc, đều có thể bị nổi mụn chi chít. "Loại thuốc bệnh nhân dùng có chứa corticoid không dùng để điều trị trứng cá mà ngược lại càng gây trứng cá trầm trọng hơn. Thuốc này chỉ có tác dụng trắng da, giảm mụn nhanh chóng nhưng dễ gây các biến chứng teo da, giãn mạch, rậm lông trên mặt… Nếu người bệnh cứ tiếp tục bôi sẽ khiến da bị bào mòn, mỏng tang như tờ giấy"- bác sĩ Nhi cảnh báo.
Các thuốc có thể gây trứng cá do thuốc bao gồm: Corticoid, hormone sinh dục testosterone, isoniazid, lithium, halogen,.. trong đó corticoid là nguyên nhân thường gặp nhất trên lâm sàng ở cả dạng thuốc uống và thuốc bôi.

Bác sĩ Nhi khuyến cáo, người bệnh khi muốn điều trị các tình trạng trứng cá, tàn nhang, nám,... nên đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được các bác sĩ thăm khám và kê đơn; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tránh các hậu quả đáng tiếc.