Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Những dấu mốc trong quá trình hoạt động cách mạng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920; quê quán: Xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sớm giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng từ năm 1937, đồng chí Lê Đức Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí lần lượt giữ nhiều chức vụ chỉ huy quan trọng trên chiến trường miền Nam.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh thị sát đảo Trường Sa Lớn trong chuyến công tác tháng 5/1988. (Ảnh tư liệu)
Sau Hiệp định Geneve (7/1954), đồng chí tập kết ra miền Bắc, tháng 12/1958, được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Đại tá QĐND Việt Nam. Thời gian đầu ra miền Bắc (từ năm 1954 - 1964), đồng chí được bổ nhiệm giữ lần lượt các chức vụ khác nhau như: Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục Phó thứ nhất Cục Quân lực, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền Nam (Quân giải phóng miền Nam).
Từ năm 1968 - 1976, đồng chí giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền; Tư lệnh Khu 9, Phó Bí thư Khu ủy; Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam; Tư lệnh Quân khu 9, Bí thư Quân Khu ủy. Tháng 4/1974, đồng chí được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm từ Đại tá lên Trung tướng QĐND Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí Lê Đức Anh được bầu vào BCH T.Ư Đảng. Tháng 6/1978, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư. Tháng 1/1981, đồng chí được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Thượng tướng QĐND Việt Nam. Tháng 6/1981, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 12/1984, đồng chí được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Đại tướng QĐND Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí được bầu vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tháng 2/1987, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự T.Ư. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng. Tháng 9/1992, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH T.Ư Đảng và được BCH T.Ư bầu vào Bộ Chính trị, làm Thường vụ Bộ Chính trị. Tháng 12/1997, tại Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ tư (khóa VIII), đồng chí xin thôi tham gia BCH T.Ư Đảng, thôi giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, được BCH T.Ư Đảng suy tôn làm Cố vấn BCH T.Ư Đảng đến tháng 4/2001.
Đồng chí Lê Đức Anh là Ủy viên BCH T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư T.Ư Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch nước (từ tháng 9/1992 đến tháng 12/1997); Cố vấn BCH T.Ư Đảng (từ năm 1997 đến tháng 4/2001); Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Hôm nay, ngày 3/5, tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu được tiến hành với nghi thức Quốc tang (ngày 3 - 4/5).

Lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh diễn ra từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 3/5, tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.