Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh (bên trái) trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Quân khu 9 |
Tham gia cách mạng từ năm 1937, cuộc đời của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với chiến trường miền Nam; ông đã trải qua hầu hết các chức vụ trong quân đội từ cấp trung đội, đại đội… đến sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, nhỏ trên chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Vì thế, những ý kiến đề xuất hoặc những quyết định của ông luôn dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn, đạt hiệu quả rất cao.Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), ta chủ trương chấp hành nghiêm Hiệp định, song thực tế quân ngụy đã liên tục lấn chiếm vùng giải phóng bằng chiến lược “Tràn ngập lãnh thổ”. Trên địa bàn Quân khu 9, theo kế hoạch, ta rút bộ đội chủ lực vào rừng U Minh, nhưng căn cứ vào thực tiễn, với cương vị là Tư lệnh Quân khu, ông đã quyết định giữ nguyên vị trí đứng chân của 4 trung đoàn chủ lực của Miền và Quân khu để hỗ trợ các địa phương chống địch lấn chiếm. Quyết định đó đã được thực tiễn chứng minh, các đơn vị chủ lực của ta đã hỗ trợ đắc lực Nhân dân bảo vệ vùng giải phóng, được Bộ Chỉ huy miền đánh giá là đúng đắn.Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Đại tướng Lê Đức Anh khi đó được giao chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (một trong năm cánh quân của Chiến dịch). Đây là hướng tiến công rất quan trọng vì ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể chạy xuống co cụm, cố thủ ở Cần Thơ. Nắm chắc nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế trên địa bàn, ông đã đưa ra những quyết định: Sư đoàn 5 không đánh Mộc Hóa mà chia làm 2 mũi đánh địch ở Thủ Thừa và Tân An. Sư đoàn 8 xin đánh và giữ đoạn Cái Bè. Ông không nhất trí và yêu cầu tiến công giải phóng Mỹ Tho. Những quyết định này góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.Trong giai đoạn chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, chứng kiến nạn diệt chủng, cảnh Nhân dân Campuchia đói khổ, bệnh tật, cùng với nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất với tập thể là phải tập trung vào nhiệm vụ “cứu đói, cứu đau” cho Nhân dân. Sau này, ông kể: “Có thể nói cứu đói, cứu đau đã đi vào lịch sử. Chúng tôi sang đó đều cảm nhận rất rõ rằng nếu chậm giải phóng thì sự diệt chủng sẽ lây lan với một tốc độ cao, sự diệt chủng không chỉ dừng lại ở sự bắt giết mà ở chỗ dân bị kiệt sức, ốm đau, bệnh tật mà chết hàng loạt”. Tư duy của ông còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong việc đưa ra vấn đề điều chỉnh thế bố trí chiến lược và giảm quân số thường trực. Sau này, với trách nhiệm là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông suy nghĩ rất nhiều về vấn đề giảm quân số thường trực để vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa đỡ gánh nặng về chi phí cho đất nước. Và Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định quyết tâm phải làm và làm được. Theo ông, thay vì giảm quân thường trực, chúng ta đẩy mạnh hiện đại hóa vũ khí, trang bị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tiến hành chiến tranh Nhân dân... Không chỉ là vị tướng giỏi trên chiến trường mà nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn là một nhà ngoại giao với tầm tư duy sắc sảo. Ông là người mạnh dạn đề xuất khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sau chiến tranh biên giới phía Bắc và thiết lập quan hệ với Mỹ và các nước ASEAN. Giải pháp mà ông đề xuất gồm: Thứ nhất, hoạt động tích cực để đi tới chấm dứt xung đột biên giới phía Bắc, tiến tới lập lại quan hệ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Thứ hai, tháo gỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ để tiến tới thiết lập quan hệ bình thường với quốc gia này. Thứ ba, tìm cách gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có thể nói những đề xuất tầm chiến lược đó đã giúp nước ta sớm ra khỏi khủng hoảng để bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển.Trên cương vị Chủ tịch nước, ông đã dành nhiều thời gian đi thăm, tìm hiểu tình hình các địa phương. Ông phát hiện ra có nhiều bà mẹ có con, thậm chí là mấy người con đi chiến đấu đều hy sinh trên chiến trường, mà cuộc sống rất khó khăn. Ông hỏi các địa phương thì được biết nguyên nhân do chính sách hỗ trợ còn thấp. Khi trở về Thủ đô Hà Nội, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và chỉ đạo triển khai xây dựng Pháp lệnh về ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng,...Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước đã mãi mãi ra đi, nhưng những tư duy chiến lược, những quyết định đúng đắn của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng, con người và đất nước Việt Nam. Phong cách “sâu sát thực tế, hành động quyết đoán” của ông là bài học cho mỗi người cán bộ, đảng viên hôm nay.