Có lần Hoài Thanh đã sánh một thời đại thơ ca (Phong trào thơ mới) với thời đại thơ ca của các cụ xưa. Thời gian chưa xa nhưng Phong trào Thơ mới chỉ còn sót lại ít lâu đài, thành quách, không còn nguyên vẹn là một thành phố nguy nga, tráng lệ. Chính Hoài Thanh cũng nhờ một câu Kiều để nói về công trình của mình “Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clin-tơn lần đầu tiên sang thăm Việt Nam tháng 11/2000, sau hàng chục năm quan hệ đóng băng cũng phải mượn đến một câu Kiều (Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân). Tháng 5/2016, khi Ô-ba-ma đến Việt Nam cũng mượn Kiều để nói về quan hệ hai nước “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Dẫn chứng này cho thấy, có thể dùng Truyện Kiều để nói về mọi cảnh ngộ, trong mọi thời gian, mọi không gian địa lý. Đó là một cuốn từ điển vạn năng về cuộc sống và tâm lý con người.
Hiện khu lưu niệm Nguyễn Du đã sưu tầm được hơn 500 bản Kiều được in trong các thời kỳ. Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Tiệp, Hung, Bun, Nhật, Lào, Thái, Hàn Quốc… và tác giả của nó được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Riêng tiếng Pháp có tới 10 bản dịch khác nhau.
Người Pháp ngay từ năm 1926 đã đánh giá: “Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào”. Hóa ra, một số nhà nghiên cứu và thầy giáo của ta lại không có được cái nhìn như người nước ngoài. Càng không thể có được cái nhìn như các cụ ta xưa.
Khi Nguyễn Du mất, đã có câu đối viết rằng: “Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh, sinh bất thiểm; Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh”, nghĩa là “Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm quan, sống không thẹn; Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh”. Tựa cho lần in năm 1820, Mộng Liên Đường chủ nhân viết: “Nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy” (phi nhãn, phù lục hợp, tâm quán thiên thu, vị tất hữu thủy thử lực dã).
Còn dân gian thì bảo nhau: “Làm trai biết đánh tổ tôm, Uống chè Chính Thái, mê Nôm Thúy Kiều”. Tôi có ấn tượng về hai đánh giá có sức sống của Chế Lan Viên “Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn” và của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Nguyễn Du đã mất. Còn Truyện Kiều, giống như các kiệt tác khác, đã có chỗ đứng trong mọi thời đại. Mọi khen, chê tùy thời đều có thể hiểu được. Dĩ nhiên, làm sao đánh giá đúng nhất, khai thác tốt nhất những giá trị tinh hoa mà tiền nhân để lại, ấy là điều mừng, điều cần làm hôm nay.
Bây giờ ở Hà Tĩnh, mộ Nguyễn Du đã được xây lên, không còn cảnh “Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề” như trong thơ Vương Trọng. Tượng đài cũng đã được dựng từ một tưởng tượng. Nhưng riêng tôi, tôi cứ ước rằng, giá cứ để nấm mộ bằng đất như xưa kia, như muôn thuở, như muôn người giữa cánh đồng Tiên Điền, dưới chân Ngàn Hống, chắc sẽ làm cho Nguyễn Du gần gũi với Nhân dân mình hơn như sinh thời cụ đã sống. Và chắc sẽ gợi cảm hơn trong lòng du khách.
Vốn quý của Hà Tĩnh và cả nước chình là khu du lịch văn hóa này, quý và sinh lợi hơn nhiều một số nhà máy khác nếu biết đầu tư lớn và có văn hóa. Nhưng điều ấy thật không dễ. Tôi đã từng mơ đến một lễ hội thanh minh có ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ở Tiên Điền, có cảnh kiếm củi và đi săn trên đỉnh núi Hồng; có lầu Ngưng Bích ở Cửa Hội, có các loại cây đã tả trong Truyện Kiều nơi vườn Nguyễn; có vườn tượng nhân vật; những bia đá khắc thơ và các bài tựa…
Và tôi mơ ước nhất là trên quê hương Nguyễn Du hôm nay ngày càng ít đi “những điều trông thấy” đã từng làm đau lòng cụ.