Nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam tăng nhưng vẫn thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Tổng cục Thống kê, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Cụ thể, năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 74,3 triệu đồng/lao động (Tương đương khoảng 3515 USD/lao động), trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,9 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 133,4 triệu đồng/lao động, gấp 1,8 lần; khu vực dịch vụ đạt 100,7 triệu đồng/lao động, gấp 1,36 lần. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2014 ước tính tăng 4,3% so với năm 2013, trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; khu vực dịch vụ tăng 4,4%.
Nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam tăng nhưng vẫn thấp - Ảnh 1
Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực là: Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao; Chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao; Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012; Trình độ tổ chức quản lý còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp: Tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2001 - 2005 chỉ đạt 11,9%; giai đoạn 2006 - 2010 là -4,5%; giai đoạn 2011 - 2013 là 23,6%. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ (hai khu vực quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn) vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.