Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng: Bệnh rõ rồi thì phải uống thuốc

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

“Phải làm kiên trì, quyết liệt hơn, chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ” gồm những ai để lấy lại lòng tin trong Nhân dân” - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII) xem xét, bàn thảo.

Đừng xúm vào kể khuyết tật, yếu kém
Tâm trạng của ông thế nào khi biết tại Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII), vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đưa bàn thảo để tìm các giải pháp khắc phục?
- Nói thật là hiện nay có 3 luồng dư luận về việc này. Có những người bàng quan, có người không tin và thứ ba là những người còn có hy vọng.
Tôi là người thuộc nhóm thứ ba, nghĩa là vẫn hy vọng Đảng sẽ trở lại thật sự trong sạch, vững mạnh. Chúng ta không nên cứ chăm chăm xúm vào kể khuyết tật, yếu kém mà phải cùng tìm ra gốc rễ vấn đề và các giải pháp khắc phục. Theo đúng tinh thần “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, Đảng cũng đã tự kiểm tra để đổi mới, không bưng bít mà ngày càng nói thẳng, nói thật, nói rõ để Nhân dân được biết hơn.
Quanh vấn đề này, chúng ta đã có Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2, Khóa VIII) rồi Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) và đang được bàn thảo tại Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII), liệu đây có phải là sự “nhắc lại” không? Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết và cấp thiết về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”?
- Từ khi tôi vào Đảng đến giờ, đọc Điều lệ Đảng và Lịch sử Đảng, càng ngày tôi càng ngộ ra một điều, Đảng cũng là một cơ thể sống, là tập hợp những con người, nên cái hay, cái dở hòa quyện với nhau. Vì vậy, nếu không thường xuyên  đổi mới và chỉnh đốn thì “cơ thể” ấy cũng sẽ bị suy đồi, ngã đổ. Một tổ chức bao gồm những con người, phức tạp hơn một cá thể, làm thế nào để tổ chức ấy mọi người như một, đồng tâm nhất trí xông vào những việc khó, việc khổ… Ngày chúng tôi mới vào Đảng luôn tâm niệm là phải khó khăn trước thiên hạ và vui sau thiên hạ theo đúng câu “Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”.
Thời chúng tôi có nhiều Nghị quyết chỉnh đốn Đảng, nhưng có một Nghị quyết tôi được tham gia từ đầu đến cuối là Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2), cũng đạt được những kết quả nhất định, và đến bây giờ lại tiếp tục. Điều này là đương nhiên, vì mỗi thời mỗi khác. Con người bao giờ cũng có nhu cầu hưởng thụ, nhu cầu hưởng lạc, nhu cầu có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhu cầu được tiến bộ hơn, nhu cầu được sung sướng hơn. Những nhu cầu ấy là chính đáng, nhưng cần phải được điều tiết để hài hòa trong tổng thể một xã hội. Rõ ràng, mình phải luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn mới tránh được tha hóa, sa ngã...
Cốt lõi vẫn là cán bộ
Tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. T.Ư đã thẳng thắn nhận định như vậy và theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
- Đúng là nhiều đảng viên đang đánh mất mình, đang bị ru ngủ bởi rất nhiều cám dỗ do công tác quản lý bị buông lỏng, được trao quá nhiều quyền lực nhưng lại không được giám sát chặt chẽ. Thế nên không phải kẻ thù nào, mà chính mình tự chuyển hóa. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nói sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng không tương xứng với nhu cầu mới. Chiến đấu để chiến thắng những ham muốn của bản thân, đòi hỏi người lãnh đạo nhìn trước các vấn đề, đoán được tình hình. Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể phải có đối sách cụ thể. Ta đã nói với nhau ngay từ Đại hội X là phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, bởi chúng ta yếu cả về hai mặt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Liên quan đến câu chuyện giám sát trong Đảng và giám sát đảng viên, nếu chúng ta có những quy định chặt chẽ, cụ thể, định lượng được, có lẽ sẽ hạn chế vi phạm của đảng viên. Phải chăng, những quy định, quy chế trong Đảng còn chung chung nên hoạt động kiểm tra, giám sát chưa thực chất?
- Đảng phải có đầy đủ những quy định, nhưng nói chung, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng còn yếu. Như Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2), hay gần đây là Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) bước đầu khởi sắc, nhưng rồi chững lại. Chúng ta cũng nói nhiều đến tự kiểm điểm hàng năm, nhưng rõ ràng không sâu sắc, mang tính hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của cấp ủy, của các cơ quan chức năng như Ủy ban Kiểm tra các cấp, cũng còn hạn chế. Sức chiến đấu yếu như vậy vì chưa có quy định làm thế nào để Nhân dân giám sát, mặc dù câu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã có, nhưng thực tế chỉ mới là khẩu hiệu.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Vì vậy tôi cho rằng, từ nay tất cả các nơi, trước hết là lãnh đạo phải hỏi ý kiến Nhân dân một cách không hình thức xem những người nào xa dân. Bây giờ các lãnh đạo chủ chốt tỏ ra quyết tâm, quyết liệt nhưng ngay bộ máy giúp việc cũng phải quyết tâm, quyết liệt, phải trong sáng, rồi đến các cấp chứ T.Ư không thể làm thay địa phương, tỉnh, thành được. Do đó, vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là công tác cán bộ. Sau Hội nghị này, tôi đề nghị phải rà soát lại toàn bộ công tác này. Các Ban chấp hành phải ngồi lại, hỏi ý kiến các cấp có trách nhiệm, hỏi cả Nhân dân về hiệu quả, chất lượng bộ máy từng nơi, từng cấp, từng ngành cụ thể.
Tiếp đó,  kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra phải vào cuộc để chủ động phát hiện những người sai mà không tự giác. Nếu ai tự giác, thấy mình sai thì xin rút, xin kiểm điểm, xin đền bù; còn những ai “ngoan cố” thì phải chỉ ra. Theo tôi, trước tiên cho họ nghỉ đã, cho ngồi đấy kiểm điểm, thay người khác luôn. Rồi sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải chỉ rõ ra hiện nay theo tinh thần Nghị quyết T.Ư thì cụ thể là ai? Một bộ phận không nhỏ nằm ở chỗ nào?
Chỉ rõ “anh” nào không đủ tư cách
Chúng ta có thể tự tin nói rằng, Hội nghị T.Ư lần này là cơ hội để giải quyết những "tồn đọng" trong Đảng, để chỉnh đốn Đảng triệt để không, thưa ông?
- Theo mục đích và yêu cầu của Hội nghị là không đơn giản, đòi hỏi toàn Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm sửa chữa là rất khó. Bởi lẽ, cuộc chiến đấu và chiến thắng bản thân là cuộc chiến khó khăn nhất. Chả thế mà cổ nhân đã dạy “Kẻ thù nguy hiểm nhất là chính mình”. Nghị quyết T.Ư 4 đã nêu vấn đề là phải phanh phui những tiêu cực yếu kém, toàn Đảng “khám bệnh”. Việc giới thiệu các bệnh đã làm rồi, giờ ai có bệnh gì thì nhận đi, cấp ủy khám bệnh, tiến hành rà soát ở từng con bệnh, bệnh nặng quá thì cho nghỉ, cho đi điều trị, chỉ chọn những người khỏe để làm. Để làm được việc này thì người đứng đầu như là bác sỹ, phải quyết đoán trong việc chọn lựa, chỉ rõ ai bệnh gì, tùy theo bệnh để biết phải làm gì.
Thưa ông, trước quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, hiện Nhân dân đang mong mỏi cấp trên sẽ nghiêm túc làm trước, để bên dưới noi theo…
- Tôi nghĩ, từng đơn vị đến các cán bộ, đảng viên không nên trông chờ thụ động vào hướng dẫn của cấp trên hoặc ngồi “xem” bên trên làm thế nào đã, có nghiêm không, để bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, tôi cũng mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư,  Ban Chấp hành T.Ư gương mẫu chấp hành các quy định trước. Trong Sửa đổi lề lối làm việc, Bác Hồ đã nhắc đến tệ quan liêu, tham ô, lãng phí cần sửa đổi đầu tiên. Bây giờ rất mong các đồng chí T.Ư cần chỉ rõ hơn trong cơ quan tôi, trong địa phương tôi, anh nào là đảng viên có đủ tư cách, anh nào là đảng viên không đủ tư cách.
Lần này, chúng ta phải làm quyết liệt, kiên trì bằng được, bởi nếu thất bại hoặc làm không tốt sẽ dẫn đến đổ vỡ niềm tin trong Nhân dân. Cũng mong Đảng đừng mệt mỏi, phải kiên trì tìm giải pháp và thực hiện bằng được những mục tiêu đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!