Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến: Muốn minh bạch phải quản lý được dòng tài sản

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng thường xảy ra trong môi trường không minh bạch về tài sản, thu nhập. Do đó, kê khai phải đi đôi với công khai và minh bạch, để quản lý được dòng tài sản chuyển dịch như thế nào của mỗi cán bộ, công chức.

Đó là nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị quanh Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Phụ thuộc nhiều vào “tính tự giác”
Một nhận xét đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đó là việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn nặng tính hình thức. Năm nào cũng có tới hơn 99,9% người kê khai đúng thời hạn, đúng yêu cầu, đúng mẫu, nộp đúng thời hạn… nhưng dường như không tìm ra điều bất thường, phát hiện ra tham nhũng, hoặc xử lý trường hợp kê khai không trung thực. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Tôi thấy trong thời gian vừa qua, một trong những cách để phòng, chống tham nhũng đó là giải pháp về minh bạch tài sản, cao hơn là kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Chúng ta cũng đã có trong các văn bản của Luật, các quy định dưới Luật, nhưng đúng là vẫn cảm giác hình thức.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến.
Đến hơn 99% kê khai tài sản đúng đối tượng, thời gian, nộp đúng quy định, đúng văn bản mẫu, nhưng xong rồi thì hầu như các bản kê khai đó đều cất vào tủ của những người quản lý nhân sự hoặc để ở một nơi nào rất khó kiểm soát, kiểm tra.
Trong khi việc kê khai còn phụ thuộc quá nhiều vào tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai, chỉ phát hiện ra một vài phần trăm kê khai có vấn đề, nhưng khi xác minh lại thấy không có vấn đề gì cả, nên hầu hết không có ai bị phát hiện ra là có tài sản bất minh và tài sản nghi ngờ cả. Trong khi đó, trong cử tri, dư luận xã hội vẫn cho rằng, có rất nhiều quan chức có tài sản bất minh, nhưng kê khai tài sản lại hoàn toàn trong sạch. Dường như có sự kê khai không trung thực, minh bạch ở đây.
Trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng như các đại biểu cũng đã từng nhiều lần kiến nghị, kê khai tài sản thu nhập phải kê khai một cách trung thực, phản ánh trung thực cái diễn biến tài sản của người phải kê khai. Sau nữa là kê khai xong phải công khai, chứ đừng cất vào tủ của cơ quan quản lý cán bộ. Kê khai xong phải niêm yết công khai, sau đó phải có cơ quan thẩm tra, thẩm định lại xem kê khai đó có trung thực, chính xác không. Nhiều khi cứ kê khai rồi là coi như xong, nên không có mấy tác dụng, mấy hiệu quả.
Với Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, để cụ thể hóa Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 lần này, nhiều quy định mới đã được đưa ra, ông đánh giá thế nào về các quy định này?
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, rồi Luật sửa đổi năm 2012 có các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, đến Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được nâng lên thành các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Chúng ta đã tiến một bước từ minh bạch tới kiểm soát và đề ra được một số cơ chế để kiểm soát tài sản.
Đồng thời, để phòng khả năng nữa là tài sản của người tham nhũng chuyển dịch cho người thân trong gia đình, Luật mới cũng đã thay đổi quan niệm về tài sản tham nhũng. Trước đây nhận định tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng, nhưng nay tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Nên có thể tài sản không mang tên quan chức, mà mang tên người thân của quan chức nhưng có nguồn gốc từ tham nhũng vẫn bị thu hồi.
Các quy định này triệt để hơn. Nhưng theo tôi, khi kiểm soát tài sản thấy rằng tài sản thực và tài sản kê khai không minh bạch với nhau, phải có giải pháp, chế tài mạnh như cảnh cáo, thu hồi phần tài sản không trung thực, miễn nhiệm công chức, nặng nữa là phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Với các bản kê khai, phải được niêm yết công khai, được một cơ quan có thẩm quyền xác minh xem bản kê khai đấy có chuẩn mực không, có bảo đảm tính xác thực không...
Với Dự thảo cụ thể hóa Luật đang được hoàn thiện lần này tôi thấy có một số quy định rất đáng chú ý, đó là việc lập các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tại tất cả các bộ, ngành, địa phương có đặc quyền trong việc xác minh ngẫu nhiên khi nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai; công khai, minh bạch bản kê khai…
Về nguyên tắc, việc kê khai đề cao tính tự giác nhưng cũng cần những cơ chế để tố cáo việc kê khai không trung thực, hoặc cơ quan chuyên trách thấy việc kê khai không hợp lý có quyền yêu cầu giải trình. Trường hợp có dấu hiệu cố tình che giấu tài sản, không trung thực, việc lập các tổ công tác tiến hành điều tra, xác minh là rất cần thiết.
Dự thảo Nghị định cũng có các biện pháp chế tài đối với những người kê khai chậm, kê khai không trung thực, không kê khai, cố tình che giấu tài sản sẽ bị chế tài tới mức cao nhất là miễn nhiệm chức vụ đang giữ..., đó là những quy định rất tốt. Tuy nhiên, có một vấn đề tôi vẫn băn khoăn là nếu Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ từ giám đốc Sở trở lên, đây là con số khá lớn, sẽ dẫn đến quá tải, mà nên tính toán để có sự phân cấp phù hợp.
Gắn liền với kiểm soát quyền lực
Vậy theo ông, với những quy định chi tiết hóa, cần những giải pháp cụ thể nào để việc kê khai tài sản thực chất, qua đó nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng trong thời gian tới?
- Luật có rồi, các quy định dưới luật cũng đang cụ thể hơn bằng các nghị định, thông tư. Nhưng khâu thực hiện, biến các giải pháp, quy định đó thành hiện thực cũng rất quan trọng. Như ai kiểm soát các bản kê khai, phát hiện tài sản tham nhũng phải rõ. Đồng thời, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan thanh tra, điều tra, tư pháp… để xác minh khi phát hiện sự không trung thực trong kê khai; thu hồi tài sản nếu không chứng minh được nguồn gốc một cách hợp lý, nhanh chóng, tránh tẩu tán.
Cùng với đó, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cũng rất quan trọng, bởi không ai hiểu cán bộ của mình bằng người đứng đầu. Chính người đứng đầu phải tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, nắm tình hình về dịch chuyển tài sản của cán bộ dưới quyền mình. Quan trọng hơn nữa là phát huy vai trò tai mắt của Nhân dân, cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người có chức vụ, quyền hạn.
Thực tế, tài sản không phải “cây kim sợi chỉ”, khi cán bộ đầu năm có ô tô này, cuối năm lại có thêm ô tô khác; nay có nhà khủng này, mai có biệt thự kia, người dân đều biết hết vì hàng ngày đi về, làm sao có chuyện dân không biết được, có gì họ biết ngay, sinh sống quan hệ thế nào họ biết cả. Chỉ có điều là cần cơ chế tạo điều kiện để những người là tai mắt của phòng, chống tham nhũng thông báo, thông tin lại cho các cơ quan chức năng, để cơ quan chức năng kiểm soát tài sản.
Nếu làm tốt các quy định này, bắt đầu từ minh bạch trong kê khai, sẽ không còn những câu chuyện bi hài như buôn chổi đót, nuôi heo xây biệt phủ, chạy xe ôm tiết kiệm tiền mua ô tô... trong các bản kê khai tài sản của một số quan chức như trước đây nữa, thưa ông?
- Đúng vậy. Theo tôi, Đảng đã khẳng định “không có vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng thì tài sản của cán bộ, công chức cũng không phải là ngoại lệ, nó càng phải là những thông tin hàng đầu cần được công khai, minh bạch. Hơn nữa, khi kiểm soát tài sản tốt cũng góp phần vào kiểm soát quyền lực. Bởi quyền lực thường đi đôi với lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền, dễ dẫn đến tham nhũng.
Tham nhũng là có tài sản. Hay nói cách khác, kiểm soát tài sản phải gắn với kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền sẽ phát huy hiệu quả, góp phần lớn vào phòng, chống tham nhũng và tránh được cả những câu chuyện rất khôi hài khi giải trình về nguồn gốc tài sản của một số quan chức như đã từng được đề cập đến.
- Xin cảm ơn ông!

"Thực tế, tài sản không phải “cây kim sợi chỉ”, khi cán bộ đầu năm có ô tô này, cuối năm lại có thêm ô tô khác; nay có nhà khủng này, mai có biệt thự kia, người dân đều biết hết vì hàng ngày đi về, làm sao có chuyện dân không biết được, có gì họ biết ngay, sinh sống quan hệ thế nào họ biết cả.

Chỉ có điều là cần cơ chế tạo điều kiện để những người là tai mắt của phòng, chống tham nhũng thông báo, thông tin lại cho các cơ quan chức năng, để cơ quan chức năng kiểm soát tài sản." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần