Hai lần thăm lớp mẫu giáo
Giữa năm 1990, tôi được điều về làm phóng viên của cơ quan Thông tấn Quân sự. Ngày ấy, cánh nhà báo quân đội khi đi công tác thường phải chịu đựng cảnh tàu xe rất vất vả. Chiếc thẻ nhà báo được ưu tiên hơn nhưng nhiều khi cũng khó khăn vì phương tiện giao thông, xe tàu chở khách không nhiều như bây giờ.
Khi đi công tác với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu, cánh phóng viên chúng tôi bám theo đi nhờ các xe trong đoàn. Đoàn xe mấy chiếc của lãnh đạo đều có máy lạnh, đường xa bụi bặm không ngại. Nhưng tình huống bất ngờ lại xảy ra đối với hai anh em phóng viên chúng tôi. Máy quay phim, máy ảnh điện tử để quá lâu trong xe máy lạnh lúc đưa ra khỏi xe thường hay bị sự cố. Hôm ấy, sau khi Thượng tướng Lê Khả Phiêu thăm và tặng quà các cháu lớp mẫu giáo xong đi vào nơi sản xuất của nhà máy thì anh phóng viên truyền hình quân đội liền kéo tay tôi bảo:
- Nguy quá ông ạ! Camera để trong xe máy lạnh đưa ra sử dụng chập chờn, quay lúc được lúc mất. Lúc Chủ nhiệm thăm lớp mẫu giáo các cảnh quay đều hỏng hết. Máy ảnh của ông thế nào?
Tôi đáp:
- Cái máy ảnh điện tử mới mua cũng không bấm cò và lên phim tự động được. Tôi phải chụp bằng cái máy Canon cổ lỗ sĩ của cơ quan có từ thời chiến tranh, lên phim hoàn toàn bằng tay nên chụp được vài kiểu, nhưng cũng chả biết ảnh iếc ra sao?
Ngày ấy máy ảnh, camera không hiện đại như bây giờ. Máy ảnh chụp bằng phim, chưa có máy ảnh kỹ thuật số. Phim chụp về nhà tráng ra mới biết kết quả ảnh sẽ đẹp, xấu hoặc bị hỏng. Nghe anh phóng viên truyền hình nói về việc không quay được cảnh ở lớp mẫu giáo tôi cũng thấy hơi lo lo. Chuyến đi thăm và làm việc này của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu là do Ban Phụ nữ quân đội tổ chức nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Thế mà lại bị hỏng hình ảnh ở lớp mẫu giáo thì còn có ý nghĩa gì nữa. Tôi và anh phóng viên truyền hình vội bàn với nhau tìm cách xử lý tình huống “tai nạn nghề nghiệp” này. Nhân lúc Tướng Lê Khả Phiêu đang đứng riêng một mình sau khi thăm một phân xưởng sản xuất hàng quốc phòng, tôi và anh phóng viên truyền hình quân đội liền tiến đến báo cáo về sự cố máy móc lúc tác nghiệp ở lớp mẫu giáo. Chúng tôi vừa trình bày vừa lo lắng sợ thủ trưởng nổi cáu. Nhưng khi nghe chúng tôi nói xong, ông có vẻ thông cảm và bảo:
- Được rồi! Các cậu chuẩn bị máy móc cho thật cẩn thận đi, sẽ có hình ảnh, cảnh quay ở lớp mẫu giáo!
Nói xong, ông lại tiếp tục đi thăm một số nơi trong nhà máy. Tôi để ý thấy ông thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ. Gần trưa, ông bảo các cán bộ dừng việc kiểm tra sản xuất quay về nhà điều hành của ban giám đốc. Lúc đi qua lớp mẫu giáo của nhà máy, ông cười vui vẻ và nói với các cán bộ cùng đi:
- Bây giờ, chúng ta sẽ “đóng phim, biểu diễn lại” để phục vụ mấy ông phóng viên quay phim, chụp ảnh!
Nói đoạn, ông rẽ luôn vào cổng lớp mẫu giáo. Các cán bộ ngạc nhiên vội đi theo ông và chưa hiểu ra sao. Các cô cháu lớp mẫu giáo thấy vị Thượng tướng và mọi người đi vào cửa lớp vội ùa ra đón. Các cháu bé reo lên vui mừng: “Ông lại đến thăm... ông lại đến thăm...”. Thượng tướng Lê Khả Phiêu vui vẻ hỏi chuyện và nghe các cháu múa hát, kể chuyện, không có chuyện “diễn lại” để quay phim, chụp ảnh như lúc nãy ông nói vui với chúng tôi. Việc thăm lớp mẫu giáo lần thứ hai này diễn ra khá lâu. Các cán bộ nhà máy nhấp nhổm vì cơm canh đã bày ra nguội lạnh cả rồi mà thủ trưởng thì vẫn mải vui với các cháu bé. Anh phóng viên truyền hình quân đội và tôi quay, chụp được nhiều hình ảnh đẹp của vị Tướng với các cháu thiếu nhi.
Câu chuyện một buổi hai lần thăm lớp mẫu giáo ở một nhà máy quốc phòng của Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu là như vậy. Giờ đây, vị Tướng ấy đã đi xa, anh phóng viên truyền hình quân đội ngày đó cũng đã mất lâu rồi nhưng kỷ niệm về chuyến đi công tác ấy trong tôi mãi không quên...
Trong các quá trình tác nghiệp, tôi còn có một số cơ hội được tháp dùng ông trong các chuyến công tác. Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm, như chuyến thăm và làm việc tại huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa. Thượng tướng Lê Khả Phiêu đã đi thăm một số nơi trong huyện Quan Hóa. Ông hỏi thăm việc sản xuất, chăn nuôi của những người nông dân, chia sẻ những khó khăn trong công việc với các cán bộ, giáo viên, nhân viên, chiến sĩ quân đội, công an nơi vùng cao. Những cán bộ, người dân hồ hởi trò chuyện với ông như với một người thân đi xa trở về. Họ không ngần ngại giãi bày những khúc mắc, băn khoăn và những kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội, về các giải pháp nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng cao còn nhiều khó khăn. Thượng tướng Lê Khả Phiêu lắng nghe kỹ và hứa sẽ báo cáo với T.Ư các kiến nghị, đề xuất từ cơ sở.
Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, gần dân, từ khi còn trong quân đội, đến sau này, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng lúc nào nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng luôn tha thiết muốn lắng nghe, muốn biết cuộc sống thực tiễn qua tai, mắt của người dân. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn chủ động đến với Nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất. Trong các chuyến công tác, cuộc làm việc của mình, ông luôn để lại trong lòng đông đảo các tầng lớp Nhân dân ấn tượng nổi bật về một nhà lãnh đạo rất bình dị, gần gũi, cởi mở và cầu thị.
Cuộc gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng
Từ khi Thượng tướng Lê Khả Phiêu làm thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng rồi được Hội nghị T.Ư bầu giữ chức Tổng Bí thư, tôi không còn có dịp được tháp tùng ông đi công tác nữa. Thỉnh thoảng chỉ tác nghiệp đưa tin, chụp ảnh khi ông đến thăm Bộ Quốc phòng hoặc các đơn vị quân đội. Một hôm, tôi lại nhận được lệnh ra ngay nhà riêng của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu làm nhiệm vụ. Tôi đeo túi máy ảnh đi bộ từ cơ quan ra nhà riêng của ông ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Đến lối vào ngõ nhà ông thì tôi bị mấy anh công an và vệ binh chặn lại. Tôi đang tìm trong túi để lấy thẻ nhà báo ra thì người sĩ quan bảo vệ Tổng Bí thư - là cán bộ của Cục Bảo vệ -An ninh quân đội chạy ra đón. Anh dẫn tôi vào nhà của lãnh đạo.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đang đứng trước cửa nhà, nơi có mấy giò phong lan đang trổ hoa rất đẹp. Vừa nhìn thấy tôi ông đã nói ngay:
- Bảo đấy à! Vào đây đi, lâu nay có khỏe không?
Tôi chào Tổng Bí thư và đáp:
- Báo cáo thủ trưởng em vẫn khỏe! Thủ trưởng khỏe chứ ạ?
Ông bắt tay tôi rồi gật đầu. Tôi nói tiếp:
- Từ ngày thủ trưởng lên T.Ư, khi đi công tác thường có các phóng viên TTXVN và Truyền hình Việt Nam tháp tùng. Hôm nay họ chưa đến ạ?
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa đi vào phòng khách vừa bảo tôi:
- Hôm nay là việc riêng nên mình chỉ bảo gọi phóng viên quân đội đến thôi.
- Thế ạ?
Tôi không dám hỏi ông “việc riêng” là việc gì thì ông đã nói tiếp:
- Hôm nay cụ Phạm Văn Đồng đến thăm nhà, cậu ra chụp cho mình mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Tôi nói:
- Cụ Đồng đến thăm nhà nhưng chắc chắn là sẽ có nhiều chuyện quan trọng cần trao đổi. Sau khi chụp ảnh lúc gặp gỡ ban đầu xong em sẽ ra ngoài sân chờ. Khi nào cần chụp ảnh nữa thủ trưởng nói anh thư ký ra gọi em nhé!
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xua tay bảo tôi:
- Cứ ngồi trong phòng khách nghe luôn, không phải ra ngoài đâu!
Ông vừa nói xong thì anh cán bộ bảo vệ nói cụ Phạm Văn Đồng đã đến. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đứng dậy ra đón. Cố vấn Phạm Văn Đồng được một anh cán bộ đỡ xuống xe và dẫn vào nhà. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và cụ Phạm Văn Đồng nắm chặt tay nhau. Tôi chụp được mấy kiểu ảnh ngoài cửa. Tổng Bí thư dẫn cố vấn Phạm Văn Đồng vào phòng khách. Cụ Phạm Văn Đồng đeo một cặp kính đen. Nghe nói mắt cụ đã kém lắm rồi, không còn nhìn rõ nữa.
Cố vấn Phạm Văn Đồng và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với nhau. Cố vấn chúc mừng Thượng tướng Lê Khả Phiêu được T.Ư bầu giữ chức Tổng Bí thư. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì hỏi thăm, chúc sức khỏe cố vấn Phạm Văn Đồng. Cụ Phạm Văn Đồng gọi là Tổng Bí thư là “anh Phiêu”, giọng vẫn rất khỏe và sang sảng, rành rọt. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì gọi cụ Phạm Văn Đồng là bác. Hai người trao đổi với nhau rất nhiều chuyện từ tình hình thế giới, trong nước đến việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng chính quyền Nhân dân vững mạnh và trong sạch. Tôi nhận thấy trong những vấn đề nêu lên cụ Phạm Văn Đồng đều thể hiện sự lo lắng cho tình hình thực trạng đang diễn ra. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trao đổi thẳng thắn với cụ nhiều vấn đề đang đặt ra với sự thận trọng và tự tin. Thế giới sắp sang thế kỷ 21 với rất nhiều khó khăn thách thức và diễn biến phức tạp khó lường. Sau này tôi còn được biết chuyện bà bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngay tại trụ sở T.Ư Đảng ta đã hỏi: “Chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Việt Nam có sụp đổ không?”. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trả lời rất rõ ràng: “Không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam chúng tôi”...
Cuộc gặp và trao đổi giữa Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với cố vấn Phạm Văn Đồng khá dài với nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sau này trên cương vị của mình đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo và rất kiên quyết, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế chính trị và phát triển đất nước. Ông cũng có nhiều công lao cống hiến trong việc mở rộng và củng cố quan hệ đối ngoại vì hòa bình và hữu nghị, khai thông nhiều vấn đề lớn trong quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...
Hà Nội, 12/8/2020.