Nguyên Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình tiếp tục bị tuyên án 20 năm tù

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vụ án thứ tư này, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) Trần Phương Bình đã bị Hội đồng xét xử tuyên án 20 năm tù. Ở 3 vụ án trước, Trần Phương Bình cũng đã bị tuyên 2 án chung thân và 1 án 10 năm tù.

Chiều 17/3, sau 3 ngày xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án 8 bị cáo.

Theo đó, bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng DAB) bị tuyên án 20 năm tù, tổng hợp 3 bản án trước của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và TAND TP Hà Nội, bị án Bình phải chấp hành án chung thân.

Bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc DAB tiếp tục bị xử phạt 20 năm tù trong vụ án thứ tư. Tổng hợp hình phạt bị cáo Bình phải thi hành là chung thân.
Bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc DAB tiếp tục bị xử phạt 20 năm tù trong vụ án thứ tư. Tổng hợp hình phạt bị cáo Bình phải thi hành là chung thân.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) bị tuyên án 19 năm tù, tổng hợp với 2 bản án trước, bị cáo Khánh phải thụ án 30 năm tù.

Các bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo, cán bộ tín dụng DAB Sở Giao dịch, gồm: Nguyễn Đức Tài (SN 1968), bị tuyên án 7 năm, tổng hợp bản án trước, bị cáo phải chịu mức án 27 năm; Nguyễn Văn Thuận (SN 1959), bị tuyên án 1 năm 6 tháng tù, tổng hợp mức án bị cáo phải nhận là 16 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Ngọc Vân (SN 1970) bị tuyên án 1 năm 6 tháng tù, tổng hợp với bản án trước là 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Chí Công (SN 1979), bị tuyên án 5 năm tù; Vũ Thị Thanh Hoa (SN 1981), bị tuyên án 3 năm tù; Trần Hoài Ân (SN 1985) bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo Phùng Ngọc Khánh phải chịu trách nhiệm bồi thường cho DAB số tiền hơn 5.518 tỷ đồng (gồm tiền vốn gốc hơn 1.826 tỷ đồng và lãi suất), vì bị cáo là người nhận và sử dụng toàn bộ số tiền DAB đã giải ngân.

HĐXX nhận định Công ty M&C do Khánh làm Chủ tịch HĐQT vay nợ của DAB. Cuối năm 2012, khi đến thời hạn trả nợ, nhưng Khánh không có tiền trả nên bàn với Trần Phương Bình để Khánh đưa 5 người quen làm giám đốc 5 công ty trong nhóm M&C đứng tên vay 1.680 tỷ đồng. Tài sản thế chấp chung cho 5 khoản vay là một phần quyền sử dụng đất, diện tích 62.044m2 thuộc dự án 7,6ha ở phường An Phú, quận 2 (nay là phường An Phú, TP Thủ Đức, thuộc TP Hồ Chí Minh).

Quá trình tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt cho 5 công ty vay vốn, Trần Phương Bình và thuộc cấp là các lãnh đạo, cán bộ DAB Sở giao dịch đã không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo. Cả 5 công ty đều không đáp ứng điều kiện để vay vốn (không có doanh thu, không có lợi nhuận, không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ cho DAB); phương án kinh doanh, phương án vay vốn được lập khống, việc hợp tác đầu tư chưa có sự đồng ý của Công ty Đại Tín (đồng chủ đầu tư dự án tại phường An Phú với Công ty CP M&C); dự án đầu tư chưa có căn cứ xác định tính khả thi trên thực tế; tài sản đảm bảo cho khoản vay chưa đủ căn cứ pháp lý để thế chấp. Việc đề xuất và đồng ý phê duyệt cho vay của các cán bộ DAB đã vi phạm quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Sau khi vay được 1.680 tỷ đồng, Phùng Ngọc Khánh sử dụng để trả những khoản nợ đã vay trước đó của DAB. Đến nay, 5 công ty nêu trên đã ngừng hoạt động, không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.518 tỷ đồng.

 

HĐXX phiên tòa sơ thẩm cũng tuyên tiếp tục kê biên diện tích 41.960m2/62.044m2 đất tại dự án 7,6ha ở TP Thủ Đức; hơn 2,6 triệu cổ phần của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Phùng Ngọc Khánh với DAB.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần