Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo cần làm gì để an toàn tác nghiệp trong môi trường số?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung do Cục Báo chí Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) truyền tải thông qua buổi tập huấn “An toàn thông tin cho các nhà báo trong môi trường số” diễn ra vào ngày 6/11.

Nguy cơ mất an toàn trong môi trường số
Buổi tập huấn có hơn 100 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo đài đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam tham gia. Các nhà báo được nghe 2 chuyên đề: Làm thế nào nhận diện một số nguy cơ mất an toàn đối với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số? Các giải pháp tăng cường an toàn trong tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số?
 Cục trưởng Cục Báo chí Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm báo cáo chuyên đề 1 tại buổi tập huấn cho các nhà báo.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), cho biết trước kia mạng viễn thông chủ yếu nghe và gọi. Ngày nay trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, các nhà mạng chủ yếu đầu tư vào hạ tầng dẫn đến thông tin đến với người đọc nhanh hơn thông qua báo online.
Nắm bắt được nhu cầu của người dùng, các nhà mạng tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ khác, ví như nhận thấy nhiều người chưa sử dụng hoặc không có thẻ ATM, nhà mạng tạo ra các app để người dân có thể thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ) và lúc này người dùng đã tham gia môi trường số.
“Khi tham gia môi trường số, nhà mạng cho chúng ta sử dụng miễn phí mạng xã hội Facebook, Zalo… Nhưng ngược lại người sử dụng phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân và đây là cái lợi rất lớn mà nhà mạng thu về sau khi thu thập được dữ liệu của người sử dụng để từ đó thông qua công nghệ tạo các app cho vay, bán hàng online, trao đổi thông tin…, và đây cũng là mục đích cuối cùng của các công ty công nghệ. Đối với người dùng, từ sự tiện lợi của các mạng như khi sử dụng chỉ cần ngồi nhà nhập dữ liệu vào máy tính (đăng ký thuế, các thủ tục mua bán xe…), không cần trả tiền mặt khi giao dịch…, từ đây xuất hiện nguy cơ mất an toàn thông tin của người dùng”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Những nguy cơ mất an toàn thông tin đối với người dùng, trong đó có những người làm báo, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, đó là khi sử dụng máy tính, mạng xã hội, thiết bị di động, mạng wifi công cộng, bảo mật tài khoản (e-Mail, Facebook…). Đơn cử dùng ĐTDĐ thường gặp rủi ro bị lộ thông tin khi đồng bộ hình ảnh, danh bạ, đặc biệt các ghi chú. Bởi lẽ các nhà mạng lớn hầu hết nằm ở Mỹ hoặc các nước châu Âu, người dùng thường phải qua một trạm trung chuyển và tại các trạm trung chuyển, tất nhiên đã có người đọc thông tin khi chuyển đi.
Còn đối với việc sử dụng mạng wifi công cộng, người dùng cũng gặp nguy cơ bị hacker đặt mã nghe lén hoặc cướp tài khoản. Do đó, không nên đăng nhập mật mã tài khoản e-Mail, Facebook… khi sử dụng mạng wifi công cộng. Đối với mật mã khi đặt cần đặt dài, có chữ hoa, thường, các con số và đặc biệt không dùng một mật mã cho các tài khoản vì nếu bị lộ, tất cả các tài khoản bị lộ.
Làm thế nào bảo vệ thông tin cá nhân?
Còn theo ông Vũ Việt Hùng - Phó trưởng Phòng Kiểm định Trung tâm VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin Bộ TT&TT, nguyên nhân lộ thông tin qua thống kê cho thấy có tới 80% do người sử dụng bất cẩn, hệ thống mạng bị tấn công, thông tin cá nhân bị bán như các trường hợp người đi máy bay vừa xuống sân bay đã nhận nhiều tin nhắn của các hãng taxi trong khi khách không liên hệ với hãng taxi!
“Hậu quả của việc bị lộ thông tin, người dùng sẽ gặp nhiều phiền toái vì tin nhắn rác, tin quảng cáo…; Bị lừa đảo trên mạng như trường hợp nhiều người nổi tiếng bị kẻ xấu ăn cắp hình ảnh trên mạng xã hội rồi lập ra các tài khoản giả mạo người nổi tiếng để lừa người thân, bạn bè của họ. Thậm chí các đối tượng lừa đảo còn nghiên cứu cách trả lời, cách nhắn tin, câu từ của người sử dụng mạng xã hội để từ đó giả mạo và lừa đảo”, ông Vũ Việt Hùng cho biết.
Cũng theo ông Vũ Việt Hùng, các loại hình kẻ xấu tấn công người sử dụng mạng thường gặp là bị xem trộm thông tin, bị thay đổi thông tin, bị mạo danh và bị phát thông tin sai lệch bản chất. Do đó, đối với người sử dụng mạng, kể cả những người làm báo để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình khi sử dụng mạng xã hội thì không nên tiết lộ địa chỉ thực tế, lịch công tác, thông tin liên quan đến công việc mình tại cơ quan; Tạo mật khẩu phải thật mạnh; Suy nghĩ và cân nhắc kỹ về những gì viết và đăng trên mạng và cần phải xin phép trước khi đăng tải hình ảnh và câu chuyện của ai đó lên mạng xã hội.
Đối với việc sử dụng máy tính, cần sử dụng hệ điều hành và các ứng dụng có bản quyền, thường xuyên update hệ điều hành, luôn sử dụng các chương trình bảo mật cho hệ điều hành và đặc biệt cần chú ý khi sử dụng USB để sao lưu. Còn với thiết bị ĐTDĐ, người dùng cần thiết lập mật mã khóa màn hình, update hệ điều hành và cài các ứng dụng tin cậy.
“Khi sử dụng wifi công cộng, người dùng cần tắt Network Sharing, dùng VPN (Virtual Private Network) nếu muốn truy cập vào các trang đăng nhập, nên dùng các trang HTTPS. Còn để bảo vệ tài khoản đăng nhập, người dùng nên cấu hình xác thực 2 bước tài khoản của gmail, mật khẩu phải mạnh (trên 10 chữ, có thêm chữ in hoa, các dấu thăng hoặc dấu sao…), thay đổi mật khẩu định kỳ, không chia sẻ mật mã cho người khác, đặc biệt luôn thoát tài khoản của mình sau khi dùng máy tính của người khác”, ông Vũ Việt hùng chia sẻ.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”
Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện nay Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó có khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế, 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet lớn.
Trước thực trạng những năm qua, tội phạm mạng tấn công các trang mạng của một số cơ quan báo chí, mạng của các doanh nghiệp, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Do đó, Bộ TT&TT đã phát động Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”. Chương trình có mục tiêu nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc cho Việt Nam.
Theo Bộ TT&TT đây là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp, cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Các phần mềm phòng chống mã độc được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website: https://khonggianmang.vn