Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo Huy Thịnh: “Những năm tháng can trường giúp bạn Campuchia”

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Năm 1980, 24 cán bộ-phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan khác được điều động vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học một lớp tiếng Khmer cấp tốc, chuẩn bị cho một sứ mệnh lịch sử.

 Những phút giây hồn nhiên của phóng viên Phùng Huy Thịnh (trái) và các đồng nghiệp tại Campuchia (Ảnh: NVCC)
Lớp học do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, giáo viên là một cán bộ của Thông tấn xã Campuchia (SPK). Lớp học kín cả sáng, cả chiều, liên tục trong 5 tháng. Học viên cùng “đánh vật” theo đúng nghĩa đen của từ này bởi hình thức văn tự rất khó của người Campuchia: phụ âm ở giữa, nguyên âm được bố trí ở bốn mặt, lại còn có chân phụ âm có giá trị như phụ âm.
“Sau 5 tháng, 24 người học nhưng chỉ có 4 người có thể sử dụng được. Chúng tôi được sang Phnom Penh đi thực tế. Và với tôi, từ đó, những con đường thiên lý ở xứ sở một thời diệt chủng này bắt đầu, ” nhà báo Phùng Huy Thịnh bồi hồi nhớ lại.
Phóng viên Huy Thịnh đã có 9 năm gắn bó với nước bạn ở thời điểm khó khăn nhất, từng là chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp Thông tấn xã Campuchia SPK và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Campuchia từ năm 1980 đến 1989.
 Khó khăn càng gắn kết những người bạn Việt Nam-Campuchia.(Ảnh: NVCC)
Kề cận tử thần
Đất nước Campuchia dưới sự tàn phá của chế độ diệt chủng Pol Pot hoang tàn và đổ nát mãi là hình ảnh không thể quên với nhà báo Phùng Huy Thịnh khi lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này. Mọi thứ đều thiếu thốn, môi trường ô nhiễm. Ăn đói là chuyện thường, thậm chí phải ăn xoài trừ bữa. Nước múc dưới sông đục ngầu, lọc qua cát sỏi để uống. Thậm chí, nếu vào mùa khô, kiếm được một ngụm cũng không dễ dàng.
Điều kiện tác nghiệp cũng hết sức khó khăn khi không có điện. Để gửi được bài về tổng xã, phóng viên, kỹ thuật viên quay mỏi tay lại nằm ngửa đạp ragônô phát điện.
Nhưng những khó khăn về vật chất không phải vấn đề lớn với những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vì khi đó, trong nước cũng rất nghèo. Thách thức lớn nhất là những hiểm nguy luôn rình rập trên từng cung đường tác nghiệp, khi tàn quân Pol Pot vẫn còn và là những tay du kích bắn tỉa.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh (phải) và các đồng nghiệp nước ngoài ở Campuchia (Ảnh: NVCC)
Nhà báo Huy Thịnh chia sẻ, quốc lộ của bạn khi đó bị băm nát trong chiến tranh, xấu đến mức xe ôtô không khi nào đi được quá 20km/giờ. Và khi đi quá chậm thì bất cứ lúc nào cũng có thể “ăn” một phát đạn B40, B41 của đám tàn quân Pol Pot vốn rất thiện chiến. Phóng viên vì thế không chỉ có sổ, bút, mà lúc nào cũng lẽo nghẽo bên mình hai khẩu súng, AK và K54, cùng ba băng đạn.
Phùng Huy Thịnh vẫn nhớ lần đi làm tin bầu cử hội đồng nhân dân ở Kampong Cham. Đường xấu, chiếc xe Volga chỉ đi được 15km/giờ nhưng sợ Pol Pot tấn công nên phải đi với tốc độ 60km/h, ngồi trong mà đầu bật lên trần xe biêu thành cục. Tại điểm bầu cử ở Kampong Chhnang năm 1982, đoàn cán bộ Thông tấn xã sau khi làm tin xong rút ra bìa rừng thì tàn quân Pol Pot lợi dụng trời tối nã súng cối vào doanh trại.
 Một chuyến đi tác nghiệp trên nước bạn của phóng viên Phùng Huy Thịnh. (Ảnh: NVCC)
Từng là bộ đội chiến đấu trực tiếp với kẻ địch trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1972-1974, nhưng nhà báo Phùng Huy Thịnh kể, ngay cả lúc đạn pháo bay rát bên tai, ông vẫn không có cảm giác gai người như khi ở Campuchia. Bởi, trong chiến tranh, kẻ thù ở phía trước mặt, sau lưng là đồng đội. Khi trận chiến tạm dừng, mình yên tâm vì bên cạnh là anh em đồng chí. Nhưng ở Campuchia, trên những đoạn đường tác nghiệp, thật khó đoán chắc ai không phải là tàn quân Pol Pot.
Dù lúc nào cũng trong tình thế rất nguy hiểm nhưng những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vẫn can trường để giúp bạn. Nhà báo Phùng Huy Thịnh cùng với đồng nghiệp và phía bạn khi thì Sao Koul – Trưởng ban Tin trong nước, khi thì Phó Tổng Giám đốc Su Mean, một phóng viên SPK và một lái xe, luôn đồng hành trên chiếc xe UAZ chứa hai phuy xăng, mỗi phuy 200 lít, rong ruổi muôn dặm đường xa chùa tháp, bất chấp việc kề cận tử thần
“Tình anh em rất đỗi tự nhiên”
Khó khăn và nguy hiểm, nhưng nhà báo Huy Thịnh bảo chính những hoàn cảnh ấy đã càng gắn kết những người bạn Việt Nam-Campuchia thân thiết như anh em.
 Nhà báo Phùng Huy Thịnh (phải) đã có 9 năm gắn bó với nước bạn Campuchia. (Ảnh: NVCC)
“Đối mặt với hy sinh từng giờ từng phút, nhưng chúng tôi vẫn giúp bạn rất nhiệt tình. Mình và bạn chia sẻ, có ăn cùng ăn, chén nước chia đôi, một tình cảm anh em rất đỗi tự nhiên,” nhà báo kỳ cựu chia sẻ.
Ông cho biết: “Tôi đặc biệt yêu quý Sao Koul, Trưởng ban Tin trong nước của bạn, có gương mặt rỗ hoa nhưng rất đằm tính. Anh bổ túc tiếng Khmer cho tôi, còn tôi dạy anh tiếng Việt và phương thức phóng viên Thông tấn xã."
"Sao Koul chăm sóc chúng tôi như bạn hữu chí thiết, lại như người anh bao bọc các em. Còn tôi cũng giúp anh rất nhiều về chuyên môn nghiệp vụ mà nhờ đó anh trưởng thành,” nhà báo kỳ cựu nhớ lại.
 Một chuyến công tác tỉnh của nhà báo Huy Thịnh. (Ảnh: NVCC)
Những năm tháng gắn bó với đất nước Campuchia, được tiếp xúc với nền văn hóa đặc biệt này, nhà báo Phùng Huy Thịnh không chỉ chia sẻ với bạn về nghiệp vụ báo chí mà cả tình yêu văn học.
 Lạc quan và yêu đời trên mỗi chặng đường tác nghiệp ở nước bạn. (Ảnh: NVCC)
Ông đã dịch rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Campuchia như truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, truyện ngắn, thơ… Và tiêu biểu nhất phải kể đến trường ca Tung Tiêu dài 4.024 câu thơ. Những tác phẩm văn học ấy lại làm nhịp cầu kết nối những trái tim yêu văn học Việt Nam-Campuchia.
 Nhà báo Phùng Huy Thịnh khi công tác tại Campuchia. (Ảnh: NVCC)
Xa nước bạn đã gần 30 năm, nhưng nhắc lại những năm tháng dài dặc xa Tổ quốc, xa gia đình để một dạ thủy chung cùng bạn, nhà báo Phùng Huy Thịnh vẫn rất xúc động.
“Người Việt Nam đã giúp người Campuchia hết mình để họ thoát khỏi nạn diệt chủng và khôi phục lại đất nước. Và chúng tôi đều tự hào về những năm tháng giúp bạn vô tư, đầy trách nhiệm, hết lòng, hết sức. Đó là những năm tháng không thể quên được,” nhà báo Phùng Huy Thịnh bùi ngùi nói./.