Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị: "Cần có tổ chức chuyên nghiệp đứng ra làm trung gian bảo vệ bản quyền báo chí"

Theo Nhà báo & Công luận
Chia sẻ Zalo

Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí nếu ra đời cần có một cách quản trị và xử lý khác biệt và chuyên nghiệp hơn. Tổ chức này sẽ được các cơ quan báo chí ủy quyền đứng ra đại diện cho họ để thực hiện công việc này.

 Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị
"Trung tâm sẽ có tư cách pháp nhân, có sự đóng góp kinh phí từ các cơ quan báo chí để duy trì hoạt động, thậm chí các cơ quan báo chí còn có thể ủy quyền cho họ khai thác các dịch vụ hợp tác trong vấn đề tin tức...”, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị khẳng định.
Chúng ta chưa đặt việc bảo vệ tài sản của mình là một nhiệm vụ quan trọng

- Tôi được biết, ông từng đặt ra vấn đề: Nếu 10 - 15 năm trước, việc các bài báo được lấy lại là vinh dự thì nay nhận thức đã khác, chúng ta mất đi tài sản, lợi ích kinh tế, thương hiệu... Xin ông cho biết cụ thể hơn về sự khác biệt trong nhận thức đó?
- Đúng là cách đây hơn 10 năm là thời gian mà Internet, mạng xã hội chưa phát triển, công nghệ làm báo điện tử đang còn hạn chế. Giai đoạn đó tâm lý chung của những cơ quan đang làm báo điện tử là rất mong muốn bài báo của mình lúc xuất bản lên sẽ được lan tỏa rộng rãi. Đối với báo in thì chúng ta có thể đo được bằng cách xem số lượng phát hành, còn đối với báo điện tử thì thước đo là lượng người truy cập nhiều, càng được chia sẻ nhiều thì càng tốt.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Mới tồn tại đến ngày hôm nay cũng là bởi suy nghĩ này. Thời kỳ đầu Báo Mới còn là một trong những người bạn đồng hành cùng các cơ quan báo chí, là nơi tập hợp và cũng có thể coi là một cái “chợ thông tin” - nơi báo chí hội tụ để lan tỏa thông tin đến với bạn đọc.
Nhưng ở thời điểm hiện nay thì câu chuyện lại hoàn toàn khác khi mà quyền sở hữu trí tuệ được đề cao, các cơ quan báo chí cần phải có cạnh tranh độc quyền về mặt thông tin và đòi hỏi bạn đọc biết đến tờ báo của mình nhiều hơn nữa. Trong khi đó, thực trạng hiện nay là, một bài báo hay vừa xuất bản xong thì đã có rất nhiều trang mạng, báo khác “luộc” lại, trang tin điện tử lấy lại hoặc xào xáo đi thậm chí có trang mạng xã hội cài phần mềm mặc định nên khi tin, bài của báo này vừa xuất bản thì sẽ tự động chuyển sang trang đó. Người đọc thì chỉ đọc và tin tưởng vào những trang ấy chứ không cần vào đọc trang chính thống nữa. Điều này dẫn đến những vi phạm và gây thiệt hại rất lớn cho các cơ quan báo chí.
- Có vẻ như việc xem nhẹ vấn đề bản quyền chính là một trong những lý do khiến báo chí tự đưa mình vào thế khó. Đã đến lúc bản thân các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền, thậm chí ngay cả với chính các Tổng Biên tập nữa, thưa ông?
- Nói đúng hơn là hiện nay nhà báo, cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí chưa phát huy hết quyền của mình trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Chúng ta chưa đặt việc bảo vệ tài sản của mình là một nhiệm vụ quan trọng. Thử hỏi có bao nhiêu bài báo, có bao nhiêu ý kiến lên án về việc này rồi? Thử hỏi có bao nhiêu ý kiến đề nghị phải hoàn tiền chính sách theo quy định của pháp luật để bảo vệ bản quyền tác phẩm? Bản thân các báo có tài sản bị đánh cắp nhưng lãnh đạo lại xuề xòa cho qua, còn người đi ăn cắp lại thấy lấy dễ quá mà mình lấy một lần rồi không thấy ai nói thì ta cứ lấy thôi.
Về phần của những người có trách nhiệm xử phạt cũng có những việc chưa làm được, một là chẳng có ai trình báo cả, hai nữa là chế tài xử phạt chưa rõ ràng chính vì vậy mà tình trạng vi phạm về bản quyền của báo chí ngày một trầm trọng nếu như chúng ta không giải quyết được những vấn đề kể trên. Đã đến lúc, các cơ quan báo chí phải tự cứu lấy mình để tài sản của mình không bị ăn cắp hoặc bị xâm hại.
Khó cũng vẫn phải làm

- Nhưng thưa ông, có thực tế là việc tuyên truyền đang trở nên “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” mà hành vi vi phạm thì muôn hình vạn trạng?
- Khó cũng vẫn phải làm. Trước hết là đối với bản thân mỗi nhà báo, các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cần phải đặt vấn đề này một cách thật sự nghiêm túc. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc tôn trọng bản quyền, tôn trọng sức lao động của báo bạn và tôn trọng cuộc chơi. Tôi ủng hộ việc các báo không hồn nhiên lấy lại thông tin báo bạn, nếu không được sự đồng ý bằng văn bản. Cho nên Báo Kinh tế & Đô thị của chúng tôi cũng có rất nhiều những cơ quan báo chí, công ty truyền thông đến đặt vấn đề để xin được lấy lại nguồn nhưng chúng tôi đều có những nguyên tắc riêng của mình. Nếu như xin để phục vụ cho nhiệm vụ xã hội không vì mục đích lợi nhuận thì chúng tôi sẽ ủng hộ còn nếu như dùng thông tin của chúng tôi để kinh doanh thì chắc chắn là phải trả phí và hai bên phải có hợp đồng thỏa thuận với nhau.
Tôi hoan nghênh Báo Tuổi Trẻ đã thành lập Liên minh với 5 cơ quan báo chí để cùng ngăn chặn việc tác phẩm của báo mình bị ăn cắp. Tôi cũng rất có ấn tượng với Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh khi họ đã thành lập được Tổ bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Việc này rất phù hợp và hiện tại báo tôi cũng đang xúc tiến để xây dựng. Nếu các báo đều cùng nhau thực hiện đồng loạt mô hình này và vận hành nó, cũng là một nỗ lực tự thân. Từ đó những quy tắc sẽ dần được hình thành, người sản xuất thông tin báo chí, cơ quan báo chí và người có nhu cầu cần phải có cuộc chơi sòng phẳng, có giao kèo hợp đồng rõ ràng.
- Cuộc chơi sòng phẳng ông phân tích có vẻ như mới chỉ ở câu chuyện “tự lực”, “tự bơi”. Giải quyết triệt để nên chăng cần có sự đồng bộ nhiều phương án khác, thưa Tổng Biên tập?
- Dĩ nhiên song song với đó thì cần phải có một bệ đỡ là hành lang pháp lý chặt chẽ. Cơ chế chính sách, nghị định liên quan về vi phạm bản quyền cần chi tiết hóa hơn, quy định cụ thể hơn nữa về vi phạm bản quyền báo chí, quyền sở hữu trong lĩnh vực báo chí truyền thông và vi phạm bản quyền báo chí truyền thông. Đặc biệt theo tôi, chúng ta nên học hỏi mô hình của Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam. Cần phải có một tổ chức chuyên nghiệp đứng ra làm trung gian chứ việc liên minh của một số báo đang thực hiện thì chưa đủ mạnh.
Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí nếu ra đời cần có một cách quản trị và xử lý khác biệt, chuyên nghiệp hơn. Tổ chức này sẽ được các cơ quan báo chí ủy quyền đứng ra đại diện cho họ để thực hiện công việc này. Trung tâm sẽ có tư cách pháp nhân, có sự đóng góp kinh phí từ các cơ quan báo chí để duy trì hoạt động, thậm chí các cơ quan báo chí còn có thể ủy quyền cho họ khai thác các dịch vụ hợp tác trong vấn đề tin tức.
Tôi lấy ví dụ như, khi xảy ra vấn đề vi phạm bản quyền thì trung tâm này sẽ đứng ra tư vấn cho hai bên gặp nhau, đưa ra các phương án hòa giải, dàn xếp và tiến tới có thể mua bán thông tin của nhau. Tôi nghĩ là cần phải có một đơn vị chuyên nghiệp như vậy tham gia chứ không thể để các cơ quan báo chí tự bơi, tự lực nữa. Đặc biệt là, đối với những vi phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, rồi vi phạm công nghệ đa phương tiện một cách phức tạp thì một tổ chức, một trung tâm chuyên nghiệp đứng ra để giải quyết sẽ thỏa đáng, minh bạch và công bằng. Thậm chí câu chuyện đó cũng đặt ra những hướng phát triển nguồn thu chính đáng cho các cơ quan báo chí có những sản phẩm tốt, có thể đạt được những thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi.
- Trân trọng cảm ơn ông!