Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cắt giảm 5 thủ tục (so với 10 thủ tục trước đây) và thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp cũng sẽ giảm từ 34 ngày xuống còn 6 ngày. Với thay đổi nói trên, chỉ số khởi sự kinh doanh của nước ta có thể sẽ cải thiện được khoảng 60 bậc, từ vị trí 109 hiện nay lên vị trí khoảng từ 50 đến 60. Ngoài ra, với việc bãi bỏ ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì toàn bộ các yêu cầu, thủ tục và chi phí đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh như trước đây cũng sẽ bãi bỏ. Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước, bất kể quy mô và ngành, nghề kinh doanh; thu hẹp phạm vi cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư nước ngoài; chỉ yêu cầu xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án của nhà đầu tư nước ngoài (tức là người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) và dự án của doanh nghiệp FDI mà trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% hoặc có nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI nắm giữ từ 51% vốn điều lệ. Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư còn 15 ngày, thay vì 45 ngày như trước đây. Mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh Lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam được tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm. Điều 6 Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ ràng và dứt khoát 6 ngành, nghề cấm kinh doanh. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bãi bỏ yêu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, từ nay, tất cả các rủi ro pháp lý liên quan đến “kinh doanh không đúng với ngành, nghề đã đăng ký”, “kinh doanh các ngành, nghề không có trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”… đều đã được bãi bỏ. Cái bẫy “kinh doanh trái phép” đối với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp về cơ bản đã được tháo bỏ. Một thay đổi không kém phần quan trọng là Luật Đầu tư (sửa đổi) đã xác định rõ danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều đáng chú ý là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã coi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng do pháp luật đặt ra đối với người dân và doanh nghiệp là một hình thức hạn chế quyền kinh doanh của người dân. Vì vậy, các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh phải phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng”. Sự đổi mới tư duy và hàm ý chính sách nói trên chắc chắn mở đường cho một cuộc cải cách đột phá trong các quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh. Nhà đầu tư được bảo vệ hữu hiệu hơn Quyền sở hữu tài sản và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tài sản tư nhân là một trong các đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường hiện đại. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu lực bảo vệ quyền sở hữu của các nhà đầu tư ở nước ta rất thấp, ở vị trí thứ 165/189 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Những thay đổi trong hàng loạt các điều, khoản có liên quan của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ cải thiện vượt bậc mức độ bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Đó là, tạo điều kiện thuận lợi hơn, ít tốn kém hơn cho các cổ đông nhỏ trong việc trực tiếp khởi kiện những người quản lý công ty. Mở rộng đối tượng có lợi ích liên quan của công ty theo đúng thông lệ quốc tế, tăng thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông trong việc xem xét, chấp thuận các giao dịch của công ty với những người có liên quan của công ty. Công khai, minh bạch hóa thông tin, nâng cao hiệu lực giám sát đối với giao dịch của công ty với những người có liên quan... Việc thay đổi khái niệm “Doanh nghiệp Nhà nước” (doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ), cũng thể hiện hàm ý chính sách tôn trọng đầy đủ và công bằng quyền của các cổ đông trong các công ty có vốn đầu tư của Nhà nước. Quyền và lợi ích của họ sẽ được bảo vệ theo đúng các nguyên tắc và thực tiễn của quản trị công ty. Những thay đổi nói trên đã tiến sát với thông lệ quốc tế và dự kiến có thể giúp chỉ số bảo vệ nhà đầu tư cải thiện được khoảng gần 100 bậc, từ thứ 157 lên thứ 60. Nghị quyết 19- đi đầu, có tính đột phá Đi đầu, đột phá trong giảm chi phí tuân thủ, cải thiện đáng kể mức độ thuận lợi và dễ dàng đối với kinh doanh là Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đã đề ra gần 50 giải pháp, trong đó, trọng tâm trong năm 2014-2015 là tập trung cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, để đến hết năm 2015, năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam tối thiểu bằng trung bình ASEAN 6. Với sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện cho đến nay là rất đáng kể. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đồng thời 30 giải pháp, trong đó 10 giải pháp đã mang lại kết quả rõ nét. Ngoài chỉ số khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư như trình bày trên đây, thì thời gian nộp thuế và nộp bảo hiểm của doanh nghiệp đã giảm từ 872 giờ xuống còn khoảng 170 giờ/năm. Doanh nghiệp sẽ nộp thuế hằng quý, thay vì hằng tháng như hiện nay. Hồ sơ kê khai thuế được đơn giản hóa đáng kể không chỉ giảm chi phí tuân thủ mà còn giảm rủi ro cho doanh nghiệp vì nhầm lẫn hay sai sót trong việc kê khai… Thời gian và thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu cũng đã giảm đáng kể. Vấn đề còn lại liên quan đến chỉ số thương mại qua biên giới chủ yếu nằm ở khâu trước và sau thông quan hàng hóa. Đó là khoảng 200 loại giấy phép, giấy chứng nhận chuyên ngành được quy định trong hàng trăm văn bản pháp luật khác nhau; đó là những yếu kém về năng lực, chồng chéo và chậm trễ trong kiểm định, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, kiểm dịch động vật, thực vật, trong kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì vậy, việc giảm thời gian thủ tục thông quan qua biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu từ 21 ngày xuống còn khoảng 13-14 ngày (như mục tiêu Nghị quyết số 19/NQ-CP) phụ thuộc chủ yếu vào sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành trong cải thiện chất lượng các quy định quản lý chuyên ngành và năng lực thực hiện các quy định đó. Khoan sức dân, giảm gánh nặng về thuế Ngày 26/11/2014, Quốc hội ban hành 2 luật sửa đổi cùng lúc 6 luật thuế: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế. Tư tưởng chủ đạo của các sửa đổi nói trên là khoan sức dân, giảm gánh nặng thuế và tạo thêm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Những thay đổi cơ bản theo hướng nói trên là, bỏ mức khống chế 15% đối với khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí... Tăng mức ưu đãi thuế và mở rộng đối tượng ưu đãi thuế TNDN cho nhiều lĩnh vực. Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế TNCN; đối với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Miễn thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; miễn thuế thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu. Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với hoạt động đóng mới tàu đánh bắt xa bờ và chuyển 3 nhóm mặt hàng đang áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT là phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp. Giảm mức phạt chậm nộp tiền thuế từ 0,07%/ngày xuống còn 0,05%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp... Tất cả các yếu tố như đã nói trên chắc chắn sẽ thổi một luồng sinh khí mới, giúp Việt Nam cải thiện thêm vài chục bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh. Điều đó kết hợp với ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố chắc chắn sẽ giúp phục hồi và tăng thêm sinh lực cho người đầu tư và doanh nghiệp; mang đến các cơ hội, lòng tin và động lực mới để mở rộng và phát triển kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững như trước đây.