Nhà đầu tư F0 - ngấm đòn đau để trưởng thành

Nguyên Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa phần nhà đầu tư mới tham gia TTCK (nhà đầu tư F0) thời gian qua chưa từng trải qua những sóng gió, biến động trên thị trường vốn này. Bởi vậy, cú giảm điểm mạnh mấy phiên gần đây đã khiến họ bị "sốc" và luôn trong trạng thái tháo chạy.

 Nhà đầu tư tham khảo tại một thị trường chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
“Đầu tư chứng khoán lãi lắm”

Gặp nhau trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, một chị bạn mặt mũi ỉu xìu thông báo: "Chị vừa lỗ mất 10 triệu vì cổ chứng. Tết năm nay bánh chưng không có thịt rồi em ạ!". Đưa ra màn hình chiếc điện thoại hiển thị màn hình đỏ lòe, thấp thoáng vài đốm xanh và gần như không có một điểm tím nào, chị tiếp tục ''trút bầu tâm sự'': "Chị vừa mở tài khoản cuối tuần trước vì nghe mọi người nói đầu tư chứng khoán lãi lắm. Môi giới tư vấn chị mua 3 mã, mà mã nào sau đó cũng từ xanh sang đỏ thế này".

“Đầu tư chứng khoán lãi lắm” là tâm lý chung của đa số nhà đầu tư F0 khi tham gia thị trường. Dù mới mở tài khoản được gần một tuần, thậm chí mới biết được 2 trạng thái xanh đỏ của chứng khoán, nhưng chị bạn đã chứng kiến đủ các cung bậc cảm xúc buồn vui, thất vọng, hụt hẫng trên thị trường này.

Không thể phủ nhận một sự thật, là việc tăng ''nóng'' trong giai đoạn vừa qua đã kích thích những nhà đầu tư mới gia nhập TTCK. Cũng như thế hệ F0 giai đoạn thị trường bùng nổ năm 2006 - 2007, những nhà đầu tư mới gia nhập năm 2020 - 2021 đa phần đều chưa có sự chuẩn bị gì cho cuộc chơi này.

CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam Phan Linh phân tích, tâm thế vào TTCK đa phần đều muốn kiếm tiền nhanh. Hiện lãi suất ngân hàng đang thấp, TTCK là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn. Ông Phan Linh đánh giá, các F0 thường giao dịch rất nhiều, không có nguyên tắc, phương pháp gì, dễ bị tổn thương, dễ bị cuốn vòng xoay.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 12/2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 63.243 tài khoản chứng khoán, và đây cũng là tháng có số lượng tài khoản mở mới lớn nhất trong lịch sử. Lũy kế năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới 393.659 tài khoản, con số kỷ lục từ trước tới nay, và nhiều hơn 205.013 tài khoản so với năm trước (tăng 109%).

Thực tế trong ngày 19/1, khi thị trường điều chỉnh sâu, VN-Index kết thúc phiên sáng ở mức điểm chưa từng có trong lịch sử thị trường - giảm 75 điểm, nhà đầu tư F0 cuống cuồng, hoảng hốt, bán tống bán tháo.

Khi hoảng loạn, hãy nghĩ đến nguyên nhân bắt đầu

Cùng nhận định, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có xu hướng bán mạnh từ tuần trước (11 - 15/1/2021). Sau khi TTCK sụt giảm mạnh do dịch Covid-19, từ tháng 4/2020 đến nay, nhà đầu tư F0 được xem là nhân tố quan trọng ''gánh vác'' thị trường, kéo thị trường tăng điểm trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Do vậy, với tâm lý nghỉ Tết sớm và muốn chốt lời sau khoảng thời gian thị trường bùng nổ, thì áp lực bán ra từ nhóm đầu tư cá nhân có thể sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán.

CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam Phan Linh chia sẻ thêm, với sự tham giao đông đảo của F0, thị trường đã có những phiên giao dịch sôi động kéo theo thanh khoản lớn. Sự tham gia của hỗ trợ trợ của F0 đã mang theo một lượng tiền lớn hỗ trợ VN-Index từ mức 650 điểm lên đến 1.200 điểm.

Tuy nhiên, theo ông Phan Linh, TTCK không phải là một nơi dễ để dành chiến thắng một cách nhanh chóng. Trong bối cảnh tăng mạnh thời gian qua, việc thị trường có phiên rung lắc ở thời điểm kháng cự trước mốc 1.200 điểm là cần thiết. Điều này để rũ bỏ những nhà đầu tư nhỏ lẻ đu bám, đồng thời hạ bớt tỷ trọng margin để thị trường đi lên một cách bền vững.
Với những nhà đầu tư kinh nghiệm và trải qua nhiều biến cố thị trường, ở những phiên như thế này họ sẽ rất bình tĩnh để xem có nên bán cổ phiếu này hay không, có nên mua vào và bán ra thì dựa trên các phân tích kỹ thuật chứ không theo đám đông. Các nhà đầu tư mới nên tỉnh táo trước khi có kế hoạch giải ngân. Nên có kế hoạch lúc nào bán lúc nào cắt lỗ. 

CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam Phan Linh