Nhà đầu tư Hàn Quốc đối thoại gì với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh?

Tiểu Thúy/Tiêu dùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/3, chia sẻ tại buổi “Đối thoại giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Hàn Quốc”, các nhà đầu tư Hàn Quốc cho biết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, tại buổi đối thoại, đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc điều chỉnh hạn chế sở hữu nước ngoài trong kinh doanh vận tải, hỗ trợ vốn tín dụng, đơn giản hóa thủ tục đăng ký mới và gia hạn giấy phép tại Việt Nam… đến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: TTBC
Cụ thể, ông Kocham cho biết, vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp kiến nghị là việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định quản lý thuế mới. Cụ thể, Nghị định yêu cầu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hằng quý hiện nay tính đến quý 3 nếu không đạt 75% số thuế thực tế tính theo quyết toán cả năm thì bị phạt chậm nộp.
Ông Kocham nhấn mạnh, điều này có nghĩa để nộp hơn 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế hằng năm theo quy định, cần phải dự đoán tổng số thuế cả năm. Nhưng việc này là không thể trong bối cảnh dịch bệnh, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
“Có sự bất hợp lý trong quy định nộp phạt theo dự đoán số thuế tương lai không chắc chắn, do đó, các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi căn cứ để tính số tiền thuế dự kiến phải nộp, dựa trên tổng số thuế đã nộp của năm trước hoặc theo doanh số thực tế của các quý trong năm đã được khai báo”, ông Kim Heung Soo đề xuất.
Đại diện Công ty Samil Pharmaceutical cũng cho biết, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục phê duyệt dự án vì sự thay đổi thẩm quyền của cơ quan phê duyệt. Do kéo dài thời gian phê duyệt sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên công ty không thể tiến hành thi công công trình vì chi phí tài chính quá lớn.
Đông đảo các doanh nghiệp Hàn Quốc gặp gỡ lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTBC
Tương tự, Công ty Asung - công ty con của Taekwang Vina nhận được phê duyệt dự án vào tháng 6/2014 đối với dự án khu dân cư phức hợp 7/5 với 700 căn hộ tại phường Long Thành Mỹ (quận 9).
Năm 2016, công ty cũng đã nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, đến năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại có quyết định thẩm tra tính pháp lý của việc chấp thuận sử dụng đất liên quan đến dự án. Và đến nay, việc kiểm tra vẫn đang tiếp diễn. “Công ty thực sự gặp trở ngại trong kế hoạch phát triển kinh doanh và khó khăn về tài chính”, đại diện Asung nói.
Thay mặt chính quyền TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc và các đề xuất.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn và lâu dài.
TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của Việt Nam thành lập 2 tổ công tác liên ngành, đó là Tổ công tác về đầu tư và Tổ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Các tổ công tác này có nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư và điều phối, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trên địa bàn TP. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, để TP thực sự là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy với các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối, tập hợp các ý kiến của các doanh nghiệp chuyển đến các sở, ngành có liên quan. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu giải quyết các kiến nghị, vướng mắc và có phản hồi, hướng dẫn cụ thể đến các doanh nghiệp; thông tin đến từng doanh nghiệp kết quả giải quyết của chính quyền TP.