Nhà đầu tư “ngoảnh mặt” với cổ phiếu DIC?

SÔNG HƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) hôm nay ghi nhận cổ phiếu ngành bán buôn cũng tăng 0,16 điểm (tương đương 0,75% )nhưng với DIC (Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC - HOSE) thì không. Mã chứng khoán này lại thêm một phiên mất điểm.

Cổ phiếu ngành bán buôn luôn hấp dẫn nhà đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, trước những khó khăn của nhiều doanh nghiệp bán buôn hiện nay, nhà đầu tư đã dè dặt với hơn với các giao dịch liên quan đến cổ phiếu bán buôn. Phiên giao dịch hôm nay cho thấy điều đó. Đầu phiên, nhiều nhà đầu tư đã tăng lượng cổ phiếu bán ra, khiến cho cổ phiếu ngành này mất điểm. Nhưng ở cuối phiên, lượng mua vào tăng nên cổ phiếu bán buôn tăng điểm nhẹ khi TTCK đóng cửa.
Thống kê trong tổng số 59 mã cổ phiếu có 1 mã tăng trần, 18 mã tăng giá, 26 mã đứng giá, 13 mã giảm giá và 1 mã giảm sàn. Chỉ số ngành tăng nhẹ, ở mức 0,11 điểm (tương đương 0.51%). Giá cổ phiếu trung bình đang ở mức 22.040 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,065,505 đơn vị cổ phiếu và giá trị đạt trên 38,980,990,900 đồng...
Với riêng cổ phiếu DIC vừa có phiên tăng điểm, nhưng thống kê trong 20 phiên giao dịch gần nhất mã chứng khoán này đã có đến 13 phiên giảm và đứng giá. Có khi DIC mất điểm 6 phiên liên tục.
Thực tế này cho thấy DIC đang mất điểm trong mắt nhà đầu tư so với nhiều mã cổ phiếu cùng ngành như:  AAV (Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn Địa ốc - HNX), AMV (Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ - HNX), DGW (Công ty Cổ phần Thế Giới Số - HOSE)…  
Phải chăng nhà đầu tư đang ngoảnh mặt với DIC. Ảnh: Internet
Từ báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán, DIC có tỷ lệ nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 80% và nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu là 408%. Kết quả hoạt động kinh doanh của DIC có doanh thu thuần đạt trên 1.281 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trên 121 tỷ đồng, lợi nhuận tài chính giảm trên 74 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 4,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN trên 2,1 tỷ đồng…
Tỷ lệ tăng trưởng tài chính 2018 của DIC cho thấy, lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) 0% giảm so với các năm trước; Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu giảm 35% trong khi năm trước tăng 23%; Lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) giảm 79%; Vốn chủ sở hữu giảm 2%; Tiền mặt tăng 84%;Tăng trưởng giá cổ phiếu giảm 49%.
Kết quả kinh doanh của DIC tại quý 1/2019 ghi nhận: Doanh thu thuần đạt trên 422 tỷ đồng; Lợi nhuận gộp trên 26,5 tỷ đồng; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là trên 1 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế thu nhập DN là 898 triệu đồng; LNST của CĐ công ty mẹ gần 1,4 tỷ đồng…
DIC theo đuổi các lĩnh vực kinh doanh như: Thi công xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường, đường dây và trạm biến thế điện, công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu đô thị; Mua bán vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị phục vụ xây dựng; Khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khai thác vận chuyển đất, cát để san lấp mặt bằng.
Mua bán hàng nông sản, thực phẩm thủ công mỹ nghệ; Môi giới bất động sản, dịch vụ nhà đất; Cho thuê kho bãi, văn phòng, nhà xưởng; Sản xuất vật liệu trang trí nội thất, ngói màu; Mua bán thi công lắp đặt hệ thống điều hoà nhiệt độ; Đầu tư phát triển khu công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật đo thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Sản xuất vôi, xi măng và thạch cao (không hoạt động tại trụ sở); Trồng cây cao su (không hoạt động tại trụ sở); Bán buôn cao su; Sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh (không hoạt động tại trụ sở).
Mục tiêu chiến lược và đầu tư của DIC là ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh chính như: Tập trung vào kinh doanh các mặt hàng chính yếu theo đúng lộ trình đã nghiên cứu, phục vụ cho ngành xây dựng như: clinker, thạch cao, ngói màu cao cấp Nhật Bản, sắt thép, gỗ tròn, gỗ căm xe và bê tông nhẹ. Tập trung vào phân khúc thị trường gồm có những khách hàng lớn, chủ yếu là các nhà máy uy tín sản xuất xi măng, các công ty xây dựng, đại lý phân phối cà khách hàng có nhu cầu xây dựng biệt thự, nhà ở...
Bên cạnh đó, DIC sẽ tích cực khai thác thị trường mới cho các sản phẩm chủ lực: Clinker, ngói màu. Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư: Chú trọng đầu tư, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các dự án hiện tại. Tập trung khai thác hiệu quả các dự án. Tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới vào các ngành, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, các lĩnh vực kinh doanh của DIC đều cần rất nhiều vốn và buộc phải huy động từ các kênh khác nhau. Trong đó, TTCK được xem là “đòn bẩy” tài chính tối ưu nhất, vì phí vốn thấp. Nhưng, DIC đã không hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trên TTCK, vì kết quả hoạt động kinh doanh kém hiệu quả…  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần