Thị trường vàng trong nước cũng lập tức phản ứng mạnh sau cú rơi thẳng đứng của giá vàng thế giới, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,52 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội.
Biến động khó lường của giá vàng miếng trong nước những ngày qua khiến nhiều người dân rót tiền vào kim loại quý đã bị lỗ nặng khi tính từ mức đỉnh đến giá ngày cuối tuần đã bay mất 3,9 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, người mua vàng còn bị lỗ nặng khi trong tuần các công ty kinh doanh vàng bạc đều kéo giãn khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên mức rất cao từ 1,2 triệu đồng – 2 triệu đồng/lượng. Nếu tính cả chênh lệch giá mua - bán vàng, người dân mua vàng tại SJC từ đầu tuần đến nay đã chịu khoản lỗ 4,2 triệu đồng/lượng.
Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh vàng tại Zaner Metals, ông Peter Grant, nhận xét: Nhà đầu tư chắc chắn coi vàng như một công cụ an toàn, tuy nhiên giờ đây vàng đang chịu quá nhiều áp lực bán khi đã có một khoảng thời gian tăng rất mạnh. Theo giới phân tích, thay vì trở thành kênh trú ẩn an toàn khi giá chứng khoán giảm và dịch Covid-19 đang lan rộng, nay giá vàng cũng chịu áp lực nặng nề và liên tục tuột khỏi các ngưỡng chốt chặn an toàn.
Chứng khoán trong nước tuần qua giảm mạnh, kết thúc tuần ở mức 882,19 điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index mất 50,90 điểm tương đương 5,45%. Còn nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt đã giảm khoảng 8%.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), vùng giá 885 điểm của VN-Index cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, lần gần nhất chỉ số này xuống dưới ngưỡng 880 điểm là tháng 1/2019. VN-Index dự báo sẽ tiếp tục kiểm định vùng 865 -880 điểm trong tuần tới.
Kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ này để mở ra cơ hội hồi phục ngắn hạn cho chỉ số. Mặc dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.