Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà giàu phải biết húp tương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bóng đá Việt Nam đang chứng kiến cái phanh gấp lịch sử. Hệ quả của cú phanh đó khiến nhiều đội bóng đứng trước nguy cơ giải thể, đổi chủ, hoặc thắt chặt chi tiêu để vượt qua cơn bĩ cực.

 Giảm lương hoặc bán xới

Trong bản gửi LĐBĐ TP. HCM, Ngân hàng Navibank cho biết, sau 3 năm làm bóng đá, họ đã bỏ ra hơn 300 tỷ đồng. Con số mà bầu Thụy bỏ ra nuôi Sài Gòn Xuân Thành còn cao hơn thế. Thế nhưng, khi bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Navibank không còn chịu được gánh nặng tài chính và họ quyết định trả lại thành phố. Trong khi đó, bầu Thụy sau tuyên bố hoành tráng rằng, "sẽ chinh phục ba đấu trường là AFC Cup, Cúp QG và V.League" đã khiến cả đội bóng tái mặt bởi quyết định cắt giảm chi tiêu. Theo đó, ngân sách hoạt động của đội bóng trong mùa giải 2013 chưa bằng 1/3 so với mùa giải 2012, vào khoảng 13 tỷ đồng.

Nhà giàu phải biết húp tương - Ảnh 1

Trước tuyên bố tưng tửng của ông bầu trẻ tuổi, Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại đã khẩn khoản đề nghị có thêm 20 tỷ đồng nữa để chi tiêu nhưng đã bị phủ quyết. Ông Thụy ra tối hậu thư, "chỉ có 30 tỷ đồng và nếu muốn có thêm tiền thì hãy đi vận động tài trợ". Nghiệt một nỗi, trong bối cảnh hiện tại kiếm đâu ra nhà tài trợ để bù vào khoảng thiếu hụt trong ngân quỹ đội bóng.

Cực chẳng đã, ông Đại đã đưa ra chính sách thắt lưng buộc bụng ở đội bóng nổi tiếng là bạo chi. Đại bản doanh đội bóng bị chuyển sang khu ít tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, các cầu thủ nhận được thông báo, hoặc là chấp nhận giảm lương, giảm thưởng hoặc là tự tìm đội bóng mới. Đương nhiên, cầu thủ không bao giờ muốn ít tiền đi nhưng trong bối cảnh hiện tại, họ không thể tìm được đội bóng nào có chế độ tốt hơn Sài Gòn Xuân Thành nên đành chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Được giá là bán

Huỳnh Kesley, công thần của Sài Gòn Xuân Thành trong hai mùa giải vừa qua đã không được gia hạn hợp đồng dù đã tỏ thiện chí chấp nhận giảm lương và tiền lót tay. Đáng lưu ý, cầu thủ vẫn còn 2 năm hợp đồng là tiền vệ số 1 Việt Nam, Nguyễn Rogerio đã nhận lệnh từ lãnh đạo là phải chuẩn bị đến với đội bóng mới là Ninh Bình.

Theo tính toán của Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại, không có hai cầu thủ kể trên trong đội hình, một năm Sài Gòn Xuân Thành sẽ tiết kiệm được số tiền lên đến 10 tỷ đồng. Có nghĩa là số tiền này bằng 1/3 ngân sách hoạt động của đội bóng. Dù đây đều là những cầu thủ giỏi, nhưng giờ là lúc Sài Gòn Xuân Thành hay bất cứ đội bóng nào khác phải thực hành chính sách tiết kiệm.

Bên cạnh việc bán hai ngôi sao hàng đầu, Sài Gòn Xuân Thành còn đưa một loạt cầu thủ vào diện cần phải bán để tăng thu, giảm chi. Trong khi đó, lãnh đạo đội bóng giàu có Hà Nội T&T những ngày qua đã chạy đôn chạy đáo để bán ngôi sao triệu đô Samson. Hà Nội T&T muốn thu về một khoản tiền, đồng thời tiết kiệm được khoản tiền lương của tiền đạo này.

Còn tại Nghệ An, lãnh đạo đội bóng đã nghĩ đến phương án không sử dụng ngoại binh ở mùa giải mới. Họ tính toán rằng, nếu không dùng ngoại binh, đội bóng sẽ tiết kiệm được 50% chi phí. Bên cạnh đó, một loạt trụ cột cũng được bật đèn xanh tìm kiếm đội bóng mới trước khi hợp đồng hết hạn. SLNA muốn các cầu thủ tìm được bến đỗ tốt hơn, còn mình thì ngoài việc tiết kiệm được tiền lương, lót tay còn thu về một khoản tương đối tiền chuyển nhượng.