Nhà hàng "phát minh" bánh tiramisu sắp đóng cửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một phần lịch sử của đồ ăn đậm chất Italy và được cho là loại bánh ngọt tráng miệng nổi tiếng nhất thế giới, tiramisu, sắp kết thúc, khi nhà hàng "phát minh" bánh này đóng cửa vào cuối tháng Ba này.

Theo báo chí địa phương ở thành phố Treviso, miền bắc Italy, quán "Le Beccherie", một trong những quán ăn nổi tiếng nhất nước này và được nhiều sách du lịch nước ngoài nhắc đến như là nơi đã làm ra bánh tiramisu, sẽ chấm dứt sự tồn tại của nó vào ngày 30/3 tới, sau 75 năm tồn tại.

Lý do chính dẫn đến quyết định khó khăn này của chủ quán, ông Carlo Campeol, là khủng hoảng kinh tế. Ông Campeol nói trên nhật báo Il Corriere del Veneto: "Bây giờ, người ta thích ngồi ở các quán bar hơn là quán ăn kiểu truyền thống như chúng tôi. Ngoài ra, các cửa hàng, các siêu thị, ngay cả những chỗ bán thuốc lá cũng phục vụ ăn nhanh, với chi phí thấp. Quán buộc phải đóng cửa vì ông Carlo Campeol là người chủ thế hệ sở hữu quán thứ ba của gia đình Campeol.

 
Bánh tiramisu của nhà hàng Le Beccherie, Treviso, miền bắc Italy. (Nguồn: Corriere del Veneto)
Bánh tiramisu của nhà hàng Le Beccherie, Treviso, miền bắc Italy. (Nguồn: Corriere del Veneto)
Trong những năm đầu thập niên 1970, bố mẹ của ông Carlo là ông Aldo, bà Ada và đầu bếp Roberto Linguanotto là những người đã tạo ra thứ bánh tuyệt hảo tiramisu từ mascarpone, trứng gà, đường, cà phê hoặc rượu mùi, bột cacao và bánh sampa (ladyfinger). Chính tiramisu đã biến "Le Beccherie," một quán ăn nấu theo kiểu truyền thống của vùng Veneto, miền bắc Italy, và từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng, thành một cái tên tầm cỡ quốc tế vì món tráng miệng ấy.

Quán được coi là một trong những điểm mà du khách cần phải đến trong những cuốn cẩm nang du lịch bằng nhiều thứ tiếng, mỗi khi nhắc đến địa danh Treviso và vùng Veneto.

Tiramisu trở nên nổi tiếng đến mức, những người sành ăn trên thế giới đã lấy ngày 17/2 hàng năm là "ngày tiramisu quốc tế." Ngày 17/2/2013, hàng nghìn đầu bếp người Italy ở các quán ăn Ý tại khắp nơi trên thế giới, từ Moskva cho đến New York, đã đồng loạt biểu diễn cách làm tiramisu theo đúng thực đơn của nhà hàng "Le Beccherie" vào thời điểm họ tạo ra loại bánh tráng miệng này.

Hình ảnh được truyền trực tiếp qua video tới hàng triệu người hâm mộ và muốn làm tiramisu trên thế giới. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh sữa Itaky (Assolatte), người Trung Quốc là khách hàng tiêu thụ tiramisu nhiều nhất thế giới.

Tên tiramisu cũng xuất hiện trên hàng chục triệu kết quả tìm kiếm trên mạng internet bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới.

Khi tạo ra tiramisu, có lẽ ông Aldo và bà Ada không thể hình dung nổi một ngày nào đó, thứ tráng miệng này lại trở thành một biểu tượng của nghệ thuật ẩm thực vùng Veneto trên thế giới.

Nhưng chính họ cũng không thể tưởng tượng ra một ngày, quán ăn "Le Beccherie" của họ lại chấm dứt hoạt động vì không có khách, hậu quả trực tiếp từ việc ra đời nhiều loại hình ăn nhanh và rẻ để đáp ứng chính sách thắt lưng buộc bụng của người Italy trong cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài từ nhiều năm nay.

Các điều tra của Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) cho biết, người Italy đã buộc phải cắt giảm các bữa ăn hàng tốn kém để thay thế bằng việc nấu ăn tại nhà kể cả vào những ngày cuối tuần và tự tay làm các thứ bánh truyền thống thay vì mua ở siêu thị để cắt giảm chi phí. Điều đó đã gây tác động nghiêm trọng đến việc kinh doanh nhà hàng ở Italy, vốn được coi là một phần trong văn hóa ẩm thực rất đa dạng và phong phú của nước này.

Theo số liệu thống kê tính đến năm 2012 của Hiệp hội các ngành nghề dịch vụ Italy (Fipe), 2012 là năm kỷ lục về số lượng nhà hàng bị đóng cửa vì nhiều lí do, nhưng chủ yếu là khủng hoảng kinh tế. Tổng cộng hơn 10 nghìn nhà hàng ở Italy ngừng hoạt động, hoặc chuyển sang chủ mới, hoặc đổi loại hình dịch vụ.

Theo Fipe, việc người Ý giảm ăn ở nhà hàng đã khiến ngành kinh doanh nhà hàng mỗi năm thất thu 1,6 tỷ euro.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần