Hàng quán chuyển sang mua sắm online
Nói về chỉ đạo tạm dừng kinh doanh của Chính phủ và UBND TP Hà Nội, mọi người dân đều có chung ý kiến, đây là quyết định hoàn toàn chính xác nhằm giữ được an toàn cho sức khỏe người thân, cộng đồng.
Để bù đắp lượng khách mua hàng giảm mạnh do không mua trực tiếp, hầu hết các cửa hàng đều chuyển sang hình thức bán online. Trao đổi với chủ nhiều nhà hàng ăn uống được biết, họ đã chủ động chuyển sang mô hình bán online, giao hàng tận nơi, không đón khách tại quán. Chị Nguyễn Mai Thùy, chủ quán cà phê trên phố Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Từ tối ngày 24/3, quán đã dán thông báo ngưng nhận khách, chuyển sang hoạt động mô hình đến nhận hàng và mang đi (take away) hoặc bán hàng online giao hàng tận nơi. Tương tự, các nhà hàng ẩm thực cũng chuyển sang mô hình này. Từ tối 25/3, hệ thống quán ăn Nhật Nama Japanese Cuisine đã thông tin từ 26/3 dừng nhận khách tới quán ăn, chỉ bán online và chuyển hàng bằng ứng dụng giao nhận đồ ăn như Now, Grab Food.
Về chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, đại diện các đơn vị phân phối đều cam kết đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm lớn mùa dịch, Bộ Công Thương khẳng định nguồn dự trữ hàng hóa dồi dào, đảm bảo nguồn cung trong dịch Covid-19. |
Không chỉ quán ăn, các cửa hàng thời trang cũng chuyển sang bán online, anh Trần Đức Hải, chủ cửa hàng thời trang phố Chùa Bộc cho hay: “Từ 26/3 cửa hàng tạm đóng cửa nhưng vẫn tiếp tục bán hàng online trên Facebook và Instagram. Hàng mới sẽ được cập nhật hàng ngày và chúng tôi vận chuyển miễn phí tất cả đơn hàng trên toàn quốc”.
Siêu thị vắng khách
Thông thường những ngày cuối tuần hệ thống siêu thị luôn đông khách đến mua sắm. Nhưng những ngày qua, lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị giảm mạnh. Khảo sát thực tế ngày 29/3 của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại hệ thống siêu thị Big C, Vinmart cho thấy lượng khách đến mua sắm khá thưa thớt. Siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch, chưa đầy 10 khách hàng đến mua sắm thực phẩm, rau củ quả... Riêng mặt hàng thực phẩm sống như thịt lợn, bò, cá... được mua nhiều hơn cả. Chị Hương Lan, một khách hàng của siêu thị chia sẻ, gia đình chị có 6 người, nhiều hàng quán đóng cửa nên lượng thức ăn mỗi ngày cần nhiều hơn. Ngoài ra, cũng là để hạn chế ra đường, phải đi chợ nhiều lần.
Trong khi đó, lý giải nguyên nhân người tiêu dùng ngại đến siêu thị mua sắm, đại diện siêu thị Vinmart cho biết: Tâm lý sợ dịch khiến nhiều người dùng các dịch vụ giao hàng trên internet hoặc mua đồ ăn dự trữ thay vì đến siêu thị mua sắm. Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng. Hệ thống siêu thị Big C bên cạnh bán online, khách hàng có thể đặt mua hàng qua điện thoại, với đơn hàng 200.000 đồng, khách hàng cũng được giao miễn phí trong bán kính 20km. Siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã bắt đầu bán các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn, muối, bột ngọt, sữa, mì gói, thực phẩm đóng hộp, nước rửa tay, giấy vệ sinh... đây là những mặt hàng đơn vị được kinh doanh theo đúng giấy phép kinh doanh.