Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/10, đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (1960 - 2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tới dự.

 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long
Điểm lại quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long cho biết, với tiền thân là Đoàn Văn công nhân dân TP Hà Nội, Nhà hát đã phát triển vững mạnh toàn diện, trở thành Nhà hát hạng I.
Các thế hệ nghệ sĩ nhà hát đã vượt qua khó khăn, thử thách để dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình ca múa nhạc, phục vụ công chúng trong kháng chiến, sau khi đất nước thống nhất và giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong những năm qua Nhà hát đã dàn dựng được gần 3.000 chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chương trình nghệ thuật đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo nên thương hiệu của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long như: "Hồ Gươm", "Hà Nội những công trình", "Trống hội Thăng Long", "Hà Nội xưa và nay", "Hà Nội, ngày... tháng... năm", "Linh thiêng Hà Nội", "Ký ức Long Thành"...
 NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã điểm lại dấu ấn 60 năm hình thành và phát triển của Nhà hát
Từ năm 2013 đến nay, Nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện, tìm tòi, học tập để xây dựng các tiết mục mới, dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình lớn phục vụ chính trị, phục vụ đối ngoại và phục vụ nhân dân Thủ đô, đồng thời tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VHTT&DL tổ chức.
Với cương vị người đứng đầu, NSƯT Tấn Minh tự tin và tự hào khi hiện giờ Nhà hát có những nghệ sĩ trẻ tài năng, đắm say với nghề như: Nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Khánh Linh, Đông Hùng, Bảo Trâm… Khó khăn lớn nhất hiện giờ là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chưa có rạp để các nghệ sĩ có thể biểu diễn chương trình thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho hai tập thể và bốn cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô và đất nước
NSƯT Tấn Minh cũng chia sẻ: “Khát khao lớn nhất của các nghệ sĩ là được làm nghề, có sân khấu biểu diễn thì anh chị em có thể yên tâm tận hiến. Chúng tôi là chiến sĩ văn hóa phải có trách nhiệm với đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến và mong mỏi nhận được sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn của Nhà nước”.
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động biểu dương và ghi nhận những cống hiến tâm huyết của tập thể Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long với sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô.
 Bên cạnh những chương nghệ thuật trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà hát đã xây dựng được nhiều chương trình nghệ thuật gần gũi với đời sống. ''Hà Nội, ngày... tháng... năm'' là vở diễn Broadway đạt chất lượng cao về nghệ thuật, được đông đảo công chúng đón nhận.
Ông Tô Văn Động đề nghị, trong hành trình mới, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long cần nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy sự sáng tạo và đoàn kết của đội ngũ cán bộ, viên chức nhằm tiếp tục đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhà hát cần nghiên cứu đổi mới, cập nhật các công nghệ biểu diễn trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của công chúng.
Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cần phát triển các hoạt động xã hội hóa trên cơ sở vừa bảo đảm tính nghệ thuật vừa phù hợp với thị hiếu xã hội, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, đồng thời, xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn để sẵn sàng tự chủ hoàn toàn.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho hai tập thể và bốn cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô và đất nước.