Nhà hát Lớn sẽ là điểm đến hấp dẫn

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương đưa nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ VHTT&DL không chỉ hứa hẹn mang đến bước đột phá cho nghệ thuật truyền thống, mà còn được kỳ vọng biến “thánh đường nghệ thuật” này thành điểm đến hấp dẫn du khách đến Hà Nội.

“Bước nhảy” trong lĩnh vực văn hóa

Để hiện thực hóa chủ trương đưa Nhà hát Lớn trở thành điểm đến hấp dẫn, vào các ngày cuối tuần từ 30/8 - 30/12, 12 nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL sẽ lần lượt trình diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại đây.
Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ảnh: Quỳnh Anh
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, chủ trương này là khâu đột phá có tính chất “bước nhảy” trong lĩnh vực văn hóa. Từ đó giải bài toán định hướng giá trị văn hóa và kinh tế trong văn hóa, trong đó có kinh tế du lịch. Giới lữ hành cũng tỏ ra vui mừng và ủng hộ chủ trương đưa nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn phục vụ du khách. Tổng Giám đốc Công ty APT Travel Nguyễn Hồng Đài dẫn chứng, ở Nga biểu diễn ba lê trong Nhà hát Lớn và hầu hết các Nhà hát Lớn của các quốc gia khác cũng chủ yếu trình diễn những tác phẩm nghệ thuật mang tính chất truyền thống, mang tính đại diện cho quốc gia đó. Nếu như có chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc được trình diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn phục vụ du khách sẽ thu được nhiều lợi ích. Bởi hoạt động du lịch không chỉ mang lại nguồn thu, góp phần đầu tư cho nghệ thuật, mà còn giúp quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó còn tăng thêm lợi thế cho du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong cuộc cạnh tranh ngày càng gắt gao ở khu vực.

Cần cái “bắt tay”

Cái hay đã thấy, song muốn Nhà hát Lớn trở thành điểm đến hấp dẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông Đài cho rằng, chúng ta có những bảo tàng, nhà hát có chương trình tốt, nhưng chưa chủ động quảng bá cho các đơn vị lữ hành, khiến sợi dây liên kết giữa các bên lỏng lẻo. Các sản phẩm nghệ thuật chủ yếu được xây dựng dựa trên ý tưởng chủ quan của nhà hát, nên chưa thực sự phù hợp với thị hiếu du khách. Do đó “thực đơn” cần thay đổi thường xuyên và nhắm tới nhiều đối tượng khán giả, trong đó có du khách. Nhà hát Lớn có khoảng 300 chỗ ngồi, trong đó nên có khoảng 50 - 100 ghế dành cho du khách, số còn lại dành cho khán giả, những người sinh sống và làm việc tại Hà Nội. “Chúng tôi sẵn sàng bắt tay với Nhà hát Lớn để nghiên cứu, phân loại đối tượng khách, về cả nội dung, thị hiếu để cho ra những chương trình biểu diễn hấp dẫn” – ông Đài khẳng định.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: Nếu muốn các DN lữ hành chủ động tham gia và kết nối lâu dài thì khi triển khai thí điểm, Nhà hát Lớn cần phát một số lượng vé miễn phí để mời DN tham gia góp ý kiến. Tuy nhiên, cần mời đích danh bộ phận quản lý, điều hành tour, hướng dẫn viên… chứ không nên phát vé mời tự do, ai đi cũng được. Ví dụ mới đây, Hàn Quốc tổ chức một chương trình du lịch thông qua biểu diễn nghệ thuật, họ yêu cầu đơn vị lữ hành đưa danh sách để họ trực tiếp mời từng người. Việc kiểm soát khách mời chặt chẽ sẽ đem lại hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Siêu cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục định hướng cho các DN lữ hành thiết kế sản phẩm hướng tới những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các tour du lịch tới Thủ đô. Đồng thời, triển khai chương trình phối hợp giữa lữ hành với các nhà hát và các bảo tàng, đảm bảo các chương trình du lịch sẽ được tính toán chi tiết về thời gian phù hợp ban ngày và ban đêm. Mọi chương biểu diễn ở nhà hát, chủ đề và phong cách trưng bày tại các bảo tàng phải gắn liền với dịch vụ... Tất cả hướng tới đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng của các “thượng đế”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần