Hôm nay (11/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp mặt, trao đổi, động viên, khuyến khích gần 70 nhà khoa học trẻ có thành tích khoa học và công nghệ (KH&CN) xuất sắc tiêu biểu ở các Viện nghiên cứu, Trường đại học và doanh nghiệp trong năm 2015. Sự kiện này cũng là dịp để biểu dương những đóng góp của các nhà khoa học trẻ với sự phát triển của đất nước nói chung và nền KH&CN nói riêng.
Đa phần những nhà khoa học trẻ tham gia buổi gặp mặt đều có tuổi dưới 35 nhưng đã có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí KH&CN uy tín quốc tế, có sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế cao và ý nghĩa xã hội trong những lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, y dược, thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, vật liệu và môi trường ... Trong đó cũng có một số nhà khoa học có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng chính sách, giúp nhà nước tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cũng như góp phần củng cố an ninh, quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, thành tựu mà KH&CN Việt Nam đạt được trong những năm vừa qua có vai trò và đóng góp rất lớn của các nhà khoa học trẻ. Có nhiều nhà khoa học đã chủ trì những công trình lớn, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, qua đó thể hiện được sự hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng chỉ ra thực trạng, các nhà khoa học trẻ nói riêng và người làm trong ngành KH&CN nói chung đang gặp nhiều khó khăn khi chế độ lương bổng còn thấp, thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí hạn hẹp ... Những điều này khiến nhà khoa học chưa thực sự toàn tâm toàn ý để chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học.
Trong hoàn cảnh hiện tại khi Việt Nam ngày càng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả lực lượng các nhà khoa học trẻ là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển đất nước, Bộ trưởng khẳng định.
Tại buổi gặp gỡ với người đứng đầu Chính phủ, các nhà khoa học trẻ đã thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc, khó khăn về chế độ đãi ngộ, chinh sách còn nhiều rằng buộc, kinh phí nghiên cứu thiếu thống, lực lượng trẻ chưa thực sự nhận được sự tin tưởng ... Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến các nhà khoa học trẻ ngày càng rời xa các trung tâm nghiên cứu, trường, viện.
Các nhà khoa học trẻ mong muốn ý kiến đóng góp trong các tổ chức mà mình đang làm việc được lắng nghe nhiều hơn, có thể được tham gia vào những đề tài KH&CN khó nhưng quan trọng, chính sách mở hơn, tránh rằng buộc đối với người nghiên cứu khoa học, chế độ đãi ngộ phù hợp để họ có thể tập trung vào các hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực KH&CN.
Sau khi lắng nghe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ chú ý tới các chia sẻ, nguyện vọng đến từ đại diện các nhà khoa học trẻ, bên cạnh đó cũng ghi nhận công sức, tâm huyết, đóng góp của lực lượng vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn đã qua. Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học phát triển, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự phát triển trung của đất nước.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, địa phương, cùng các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích và phát triển KH&CN, trong đó chú ý đặc biệt tới lực lượng các nhà khoa học trẻ.
Thủ tướng lưu ý những nhà khoa học trẻ cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để sáng tạo, tiếp cận các quỹ hỗ trợ, được tham gia các chương trình cấp nhà nước, thoải mái chia sẻ quan điểm cũng như đóng góp vào các chính sách có liên quan tới KH&CN. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng cần có những chính sách hiệu quả nhằm thu hút và sử dụng đội ngũ lao động KH&CN đang học tập và làm việc ở nước ngoài.
Chính phủ sẽ làm hết sức mình và với trách nhiệm cao nhất để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực mũi nhọn quốc gia trong KH&CN, Thủ tướng khẳng định.
Đáng chú ý, sau khi lắng nghe dự án sản xuất "Mắt thần" phi lợi nhuận dành cho người mù của Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ KH&CN khẩn trương thẩm định đề án cụ thể đối với thiết bị này và khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí sản xuất “Mắt thần” cho khoảng 300.000 người mù ở nước ta.
Được biết, "Mắt thần" là một chiếc kính đeo mắt được lập trình sẵn, có khả năng nhận diện các vật cản để báo rung cho người sử dụng, đây là sản phẩm rất hữu ích cho người mù và người khiếm thị. “Mắt thần” có giá thành khoảng 2 triệu đồng/chiếc và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì tính khả thi trong cuộc sống.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng những nhà khoa học trẻ tiêu biểu.
|
Thủ tướng chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ.
|