70 năm giải phóng Thủ đô

Nhà khoa học vượt qua vất vả đời thường “vì việc đại nghĩa mà làm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi tin rằng khi hỏi lương thấp như thế, khổ như thế, phương tiện như thế có chịu được không, không phải tất cả nhưng chắc chắn có rất nhiều nhà khoa học trẻ sẽ trả lời là chịu được".

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, sáng 11/9.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ tôn vinh các công trình nghiên cứu mà cả tinh thần cống hiến “vì việc đại nghĩa mà làm”. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ tôn vinh các công trình nghiên cứu mà cả tinh thần cống hiến “vì việc đại nghĩa mà làm”. Ảnh: VGP/Đình Nam
Chúc mừng các nhà khoa học được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước.

“Tiềm lực KHCN của đất nước dù đã được nâng lên rất nhiều nhưng vẫn còn yếu. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến nước ta, dù phát triển nhanh, nhưng vẫn còn rất nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có biết bao nhiêu người hy sinh, mất mát. Tâm tư đó thôi thúc, day dứt nhiều thế hệ các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ ghi nhận các kết quả, công trình nghiên cứu mà cả tinh thần làm việc, cống hiến của các nhà khoa học vượt qua khó khăn trong nghiên cứu, vất vả đời thường “vì việc đại nghĩa mà làm”. Từ đó, đưa khoa học nước nhà phát triển chắc chắn hơn, nhanh hơn, để những điều tốt đẹp được khơi dậy, được làm gương từ các nhà khoa học.

“Mục tiêu cuối cùng là gìn giữ, bảo vệ và phát triển đất nước, làm cho những giá trị tốt đẹp của dân tộc bao nghìn năm nay được vun đắp, phát huy, tỏa sáng”.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi có bao nhiêu nhà khoa học dưới 35 tuổi ở trong hội trường. Rất ít cánh tay giơ lên.

“Chúng ta còn nhớ bác Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho làm Cục trưởng Cục Quân giới khi mới 33 tuổi”, Phó Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh các nhà khoa học trẻ cần được tạo cả điều kiện, lẫn thách thức để vượt qua chính mình, bứt lên khỏi sự ràng buộc của cơ chế, chính sách, có những cống hiến đột phá.

Kể về câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi GS.VS Trần Đại Nghĩa có chịu được khổ; có thể hoàn thành công việc trong điều kiện thiếu thốn về con người, phương tiện, vật liệu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đó cũng là hai câu hỏi mà nhiều nhà khoa học trẻ luôn mong muốn được nghe từ lãnh đạo của mình.

“Tôi tin rằng khi hỏi lương thấp như thế, khổ như thế, phương tiện như thế có chịu được không, không phải tất cả nhưng chắc chắn có rất nhiều nhà khoa học trẻ sẽ trả lời là chịu được. Nếu được lãnh đạo giao nhiệm vụ, trong điều kiện như vậy có làm được không, cũng sẽ nhiều nhà khoa học trẻ dũng cảm và trách nhiệm nói rằng làm được.

Làm được như vậy cùng với nhiều việc khác tôi rất mong và tin rằng nền khoa học nước nhà sẽ có những khởi sắc mới” Phó Thủ tướng chia sẻ.

 Phó Thủ tướng khẳng định: Nếu ra đề bài, giao nhiệm vụ rõ ràng và được tin tưởng thì nhiều người trẻ luôn sẵn sàng dấn thân để cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ nước nhà.
Một trong những điểm nổi bật của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa trong hệ thống các giải thưởng về khoa học công nghệ (KHCN) là phải được ứng dụng trong thực tiễn hoặc có triển vọng cao để ứng dụng vào thực tiễn. Hai công trình được trao giải năm nay được chọn ra từ 15 công trình đăng ký và đã đạt được cả hai tiêu chí trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Công trình “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vaccine phòng bệnh cho người” của GS.TS Hoàng Thủy Nguyên và cố GS.TS Đặng Đức Trạch đã được ứng dụng vào thực tiễn từ những năm 1980 đem lại hiệu quả thanh toán bệnh bại liệt, dịch tả của Việt Nam và thế giới.

Công trình “Công nghệ sản xuất tinh quặng sắt thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ” của TS. Vũ Đức Lợi (Viện Hóa học) và đồng tác giả TS. Nguyễn Văn Tuấn (Công ty thép Thái Hưng) có khả năng dụng cao để giải quyết, xử lý được lượng bùn thải độc hại từ nhà máy Alumin ở Tây Nguyên, biến chất thải độc hại thành nguyên liệu sắt thép, biến chất thải thành vật liệu xây dựng không nung, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.