Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng: Mỗi bức ảnh là một tư liệu lịch sử sống động

Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị
Chia sẻ Zalo

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng – người được mệnh danh là “Biểu tượng của tình yêu Hà Nội”. Hơn 60 năm gắn bó nghề chụp ảnh, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã miệt mài sáng tác, ghi nhiều khoảnh khắc đẹp về đời thường và bình dị của cuộc sống, Nhân dân Thủ đô.

 

Chân dung nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. Ảnh Vi Giáng
Chân dung nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. Ảnh Vi Giáng

Buổi sáng ngày 10/10/1954 là đẹp nhất!

Trong không khí kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022), tôi có dịp trò chuyện với nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. Ở tuổi 92, mái tóc trắng buộc húi, đôi mắt vẫn còn tinh anh, cách nói chuyện hào sảng, thân tình. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nói rằng, hàng ngày ông vẫn chống gậy batoong, khoác balo đã bạc màu và trong tay luôn có chiếc máy ảnh đi dạo quanh phố, phường để kịp ghi lại mọi khoảnh khắc con người, cuộc sống Hà Nội.

68 năm kể từ Ngày Giải phóng, Hà Nội xưa và nay đã có nhiều đổi khác, nhưng ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 không thể nào quên. Ông nhớ như in về không khí Ngày Giải phóng Thủ đô qua 68 năm lịch sử. “Ngày ấy, tôi là một chàng trai 22 tuổi. Tôi thạo tiếng Anh, Pháp và cả nhiếp ảnh nên được chọn vào công tác cho Ban liên hiệp đình chiến. Ngày 8 và 9/10/1954, tôi được giao 10 cuộn phim với nhiệm vụ đi chụp tất cả các điểm có quân Pháp trú đóng ở Hà Nội. Cả hôm ấy, tôi lang thang khắp nơi và chụp hết sạch 10 cuộn phim, về nộp lại cho cấp trên – như những bằng chứng cho thấy quân Pháp không còn biểu hiện kháng cự.

Nhiệm vụ đã xong, ngày 10/10/1954, tôi cho phép mình lang thang. Tôi gặp và chơi rất lâu với một đám trẻ con đang chơi trò “nhảy ngựa”, trong bảy đứa trẻ đang leo trên cành phượng mà tôi chụp, có đến ba em mất bố. Ba người bố ấy là những chiến sĩ đã ngã xuống trước Ngày Giải phóng Thủ đô.

Trong buổi sáng đó, tôi còn chụp ảnh một đôi vợ chồng trẻ. Người chồng trẻ có được chiếc xe đạp cuộc – một thứ đáng giá thời ấy, anh chở cô vợ trẻ mang thai đi dạo trong ngày vui của Thủ đô. Mệt, họ cùng nghỉ trên chiếc ghế ven hồ. Hà Nội hôm ấy rất vui. Hồ Gươm rất đẹp. Lại có thêm trẻ con, có tình yêu đôi lứa. Đời tôi không biết đã bao nhiêu ngàn lần dạo hồ Gươm, nhưng cuộc dạo quanh hồ Gươm sáng 10/10/1954 là đẹp nhất”.

Cũng năm 1954, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng là một trong số ít phóng viên Việt Nam có những khuôn hình sống động về đoàn quân “trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô” trong thời khắc lịch sử. Năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, ông tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định đình chiến Geneve. Ông là một trong số ít các nhà nhiếp ảnh chụp các phóng sự ảnh nữ tài tử Jane Fonda, ngôi sao điện ảnh Mỹ, khi bà thăm Hà Nội vào tháng 7/1972.

Dường như, nghề nhiếp ảnh đối với Quang Phùng là một sứ mệnh, đam mê và dấn thân. Các bộ ảnh của ông khi ra mắt luôn tạo được nhiều tiếng vang.

Nếu trong thời chiến, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nổi tiếng với các bộ ảnh “độc nhất vô nhị” về “Bộ đội vào tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954”, “Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước; khoảnh khắc chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô tháng 12/1972 thì đến thời bình, cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm”, bộ ảnh “Ma túy lộng hành giữa Thủ đô”, triển lãm “Hoa rơi mặt hồ”; gánh hàng rong;…đã truyền tải những câu chuyện thời đại bằng hình ảnh mà không một sách vở có thể thay thế được.

Nhiếp ảnh phải mảng tính phản biện xã hội

Có một quy tắc trong nghề, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng quan niệm “Chụp ảnh tài liệu” nên chưa khi nào muốn trở thành một người chỉ ngợi ca những gì “đẹp” của cuộc sống bằng những tấm ảnh. Đằng sau mỗi tấm ảnh luôn là dấu hỏi đầy trăn trở. Nhiếp ảnh với ông là ghi lại khoảnh khắc gần gũi, thiết thực. Giá trị của bức ảnh chính là tác động mang tính phản biện xã hội.

Hơn nửa thế kỷ cầm máy ảnh, bộ ảnh “Ma túy lộng hành giữa Thủ đô” là bộ ảnh ông Quang Phùng tâm đắc nhất. Năm 2004, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế phòng chống ma túy, Bộ Văn hóa Thông tin yêu cầu nhà nhiếp ảnh triển lãm với 40 bức ảnh cỡ lớn và triển lãm đã thu hút rất đông người xem. Hành trình thực hiện bộ ảnh có những ngày ông đã phải lẽo đẽo bám theo những kẻ nghiện ngập tại các công viên hồ Thiền Quang, Hồ Gươm,… từ 6h sáng đến sẩm tối, đối mặt với “cái chết trắng” để ghi lại hình ảnh những con nghiện tiêm chích, phê thuốc hay đang mua bán, trong đó không ít người tuổi đời còn rất trẻ.

Không sắp xếp, không chỉnh sửa, không photoshop, những bức ảnh đến từ sự dấn thân nghiêm túc đã cho ra những tấm ảnh quý giá đầy ấn tượng. Chùm ảnh khi triển lãm làm lay động các quan chức quốc tế và chỉ nửa tiếng sau hội nghị, Việt Nam đã trở thành nước thứ 15 trong danh sách cần giải quyết khẩn cấp tệ nạn ma túy của thế giới và chỉ trong 2 ngày, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã tài trợ 78 triệu USD và Mỹ tài trợ 50 triệu USD để Việt Nam ứng phó với tệ nạn này.

Yêu Hà Nội qua từng khoảnh khắc, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã giành hàng chục năm để thực hiện nhiều bộ ảnh Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, nhằm ghi lại sự biến đổi nhanh chóng của Hà Nội từ cảnh quan, kiến trúc, đến lối sống của người Hà thành trong suốt 2 thế kỷ. Năm 2011, ông cho ra mắt cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm”, in song ngữ Việt - Anh, tập hợp gần 100 bức ảnh chọn lọc trong mấy ngàn file ảnh về Hồ Gươm - Hà Nội.

Cuốn sách còn là nguồn tư liệu độc đáo khi đăng tải một số bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân mà Quang Phùng chụp từ đầu những năm 1970.

Bên cạnh các bức ảnh về hồ Hoàn Kiếm, nghệ sĩ Quang Phùng còn nổi tiếng với ảnh về đề tài gánh hàng rong, đó là những bức ảnh đẹp, tình người ở Thủ đô hơn nghìn năm tuổi... Ông còn có nhiều những bộ ảnh lớn như: Hà Nội, 36 phố phường với 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; Ma túy tuổi học trò với 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; Hàng rong Hà Nội với 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; Nghị quyết Đảng đi vào đời sống với 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm... Năm 1993, ông nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến miệt mài trong lĩnh vực nhiếp ảnh và dạy học đến hiện nay. Ngoài nhiếp ảnh nghệ thuật - nhiếp ảnh báo chí, ông còn là dịch giả văn học, tác phẩm dịch nổi tiếng nhất: “Con đường sấm sét” (năm 1960).

Trong không gian sống chưa đầy 10m2 tại xóm Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giống như một phòng trưng bày thu nhỏ của người nghệ sĩ già. Hàng ngày, bên cạnh việc đi chụp ảnh, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng cần mẫn ghi chép vào sổ tay những quan sát, kinh nghiệm thu được trong lúc chụp ảnh, đêm về lại lụi hụi cho ảnh vào sổ đóng tập, viết lời bình. Hàng chục cuốn sách ảnh, thẻ nhớ chứa đầy ảnh và còn rất nhiều bộ ảnh hiếm chưa từng công bố.

Dịp 10/10, kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vinh dự đón nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 do UBND TP Hà Nội trao tặng.

 

Với những thành tích trên, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013); Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (năm 1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2002), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 1991-1995; Giải nhất Liên hoan ảnh Việt Nam lần thứ XVI năm 1990…