Nhà ở giá rẻ sẽ chiếm lĩnh thị trường?

Vân Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2017 sẽ tiếp nối với nhịp độ phát triển bình bình, khó đột biến.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, một lượng lớn sản phẩm trong phân khúc bình dân sẽ đổ bộ thị trường sẽ tạo nhiều lợi thế hơn cho người mua nhà có nhu cầu thực. Để có cái nhìn sâu sát hơn về vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup.
Bán sản phẩm khách hàng cần, không bán cái mình có
Năm 2016 dần khép lại và thị trường BĐS dường như không được “xuôi chèo mát mái” như kỳ vọng. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này của thị trường?
- Năm 2015 được đánh giá là một năm tích cực đối với thị trường BĐS. Chính từ kết quả đó, nhiều chuyên gia đã dự báo mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2016. Thực tế, thời điểm nửa đầu năm 2016 diễn biến thị trường vẫn tốt, mức tiêu thụ khá. Tuy nhiên, lo lắng xuất hiện vào cuối năm khi giao dịch có dấu hiệu “chững” lại, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Tình trạng này xuất phát từ việc nguồn cung tăng nhanh dẫn tới bão hòa về khả năng hấp thụ. Nhiều dự án phải tung ra khuyến mãi và biện pháp kích cầu.
Chính vì lẽ đó, thị trường BĐS năm 2017 sẽ có điều chỉnh mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm. Cụ thể, phân khúc trung và cao cấp sẽ gặp khó khăn, trong khi phân khúc bình dân và giá rẻ “cung” nhiều hơn. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh sẽ không nhanh, vì tại Việt Nam quá trình chỉnh sửa thay đổi lại thiết kế gặp phải nhiều vấn đề về thủ tục. Cho nên cần thiết phải dùng những biện pháp về tài chính, khuyến mãi hoặc kích cầu để bán được hàng nhanh. Những chủ đầu tư của các dự án mới sắp chào bán ra thị trường cần cẩn trọng, đi vào những phân khúc mà thị trường còn thiếu mới có thể cạnh tranh được. Điều này cũng tạo động lực để các DN tiến tới cân bằng cán cân cung – cầu, hạn chế sản phẩm siêu cao cấp mà tập trung vào nhà ở xã hội, nhà thương mại giá bình dân.
Thị trường chưa xấu đến mức phải bán cắt lỗ như trước. Nhưng liệu có phải đang âm thầm diễn ra một cuộc cách mạng cơ cấu sản phẩm, giảm lợi nhuận kỳ vọng để tăng sức mua?
- Để tìm kiếm cơ hội trong thị trường tương đối hạn hẹp của năm 2017, mấu chốt vấn đề là cần giải quyết tận gốc, vì thế đúng là các DN BĐS đã tính đến phương án cơ cấu lại sản phẩm và giá bán. Trước đây, làm ra những sản phẩm phục vụ người có khả năng về kinh tế cao thì thực tế đang cơ cấu lại những sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với đa số khách hàng. Đầu tư phải phù hợp với nhu cầu xã hội chứ không phải tự phát, phong trào như thời gian qua. Việc cơ cấu sản phẩm, gia tăng giải pháp tài chính cho người mua xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nói cách khác, các chủ đầu tư đang xác định hướng tới bán cái khách hàng cần chứ không phải bán cái mình có. Và theo tôi, động thái này sẽ mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2017.
Mỗi dự án cần có đặc trưng riêng
Khi thị trường tiếp tục đối mặt với áp lực nguồn cung rất lớn. Là một nhà đầu tư, theo ông những dự án như thế nào sẽ thành công và thu hút khách hàng?
- Tất cả những vấn đề cạnh tranh dự án phải có yếu tố đặc trưng rõ nét. Không chỉ riêng BĐS mà kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng vậy. Yếu tố cạnh tranh phải sắc nét và chỉ nên tập trung vào một số yếu tố đặc biệt.
Hiện nay, khá nhiều chủ đầu tư dự án hơi tham lam về vấn đề cạnh tranh. Tức là cái gì cũng có nhưng không có gì nổi bật. Và nếu tất cả mọi thứ tốt, chắc chắn giá sẽ không tốt. Cho nên, ở mỗi dự án cần đặc trưng riêng. DN xếp theo thứ tự ưu tiên về lợi thế cạnh tranh của BĐS. Trong đó, vị trí là yếu tố hàng đầu. Ở vị trí tốt mà không thêm giá trị gia tăng để dự án nổi trội hẳn lên thì cũng không đạt kết quả kỳ vọng. Trong cùng một vấn đề vị trí, phải tính đến thiết kế, kiến trúc của công trình. Kế tiếp mới đến công tác hoàn thiện, dịch vụ và chính sách bán hàng linh hoạt. Cuối cùng yếu tố cạnh tranh tuyệt đối chính là giá. Riêng đối với các khu vực từ Vành đai 3 trở ra, không có ưu thế vị trí thì buộc dự án phải đủ tiện ích dịch vụ, cung cấp hạ tầng tốt mới thu hút cư dân an tâm chuyển về sinh sống.
Như ông phân tích thì động lực tăng trưởng chính trong năm tiếp theo có thể thuộc về nhà ở giá rẻ. Thế nhưng nhiều căn hộ thuộc phân khúc này chất lượng lại chưa được tốt. Điều này có vẻ mâu thuẫn, thưa ông?
- Tôi nghĩ những sản phẩm giá rẻ vẫn luôn có nhu cầu vì phù hợp vào khả năng chi trả. Giá rẻ và chất lượng không phải lúc nào cũng là khái niệm đồng nhất. Số đông thường mặc định giá rẻ và chất lượng là hai yếu tố tương đương nhau. Nhưng thật ra có nhiều nhà ở thu nhập thấp nhưng chất lượng cao hơn mức chi trả. Nếu đã giá rẻ thì đừng đòi hỏi nhiều tiện ích, bởi vì xét cho cùng đối với dạng phân khúc này nhu cầu về nhà ở, chất lượng công trình mới là yếu tố hàng đầu. Còn các tiện ích xa hoa không thể là vấn đề ưu tiên. Đặc biệt, trong bối cảnh thừa nguồn cung như hiện tại, các phân khúc trung cấp trong năm tới có thể được chủ đầu tư kích cầu thông qua gói hỗ trợ tài chính, nên giá sẽ mềm hơn và tạo điều kiện cho số đông khách hàng tiếp cận được.
Xin cảm ơn ông!