KTĐT - Người mua nhà giá thấp chỉ được quyền bán lại cho nhà nước hoặc chủ đầu tư. địa phương phải công bố mức thu nhập bình quân của địa phương để làm căn cứ xét chọn đối tượng được mua nhà.
“Dự kiến trong năm nay, nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân sẽ được đưa vào sử dụng. Cụ thể, TP.HCM có 16 dự án, Hà Nội có hai dự án tại khu đô thị mới Việt Hưng và tại Vĩnh Yên”. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết tại hội thảo nhà ở cho người thu nhập thấp do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 28-1.
Khó về quỹ đất và vốn
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, một căn hộ giá thấp diện tích 50 m2 có giá bán 300-500 triệu đồng. Nếu thuê mua trong 20 năm, người mua sẽ trả trước 20% và hằng tháng chỉ phải trả góp khoảng 2 triệu đồng. Điều này phù hợp với khả năng của những gia đình có mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng/người.
Tuy nhiên, trên thực tế số dự án nhà giá thấp được khởi công chưa nhiều. Nguyên nhân là chủ đầu tư gặp khó khăn về kinh phí do thời gian thu hồi vốn dài (nếu áp dụng hình thức thuê mua, cho thuê); việc tạo quỹ đất ở nhiều nơi còn chậm; một số địa phương gây khó khăn về thủ tục...
Gỡ khó cho những mắc mứu này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chỉ rõ: “Các dự án nhà ở giá thấp đã khởi công đều có sẵn quỹ đất. Về lâu dài, các địa phương cần chủ động quy hoạch đất đai, trong đó phải chỉ rõ khu vực nào dành để xây nhà ở cho người thu nhập thấp”.
Ông Nam cũng cho rằng cần sớm lập quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó “nên quy định bắt buộc mọi người đều phải đóng tiền vào quỹ này, người giàu hỗ trợ cho người nghèo. Một người có thu nhập chừng 40-50 triệu đồng/tháng nếu trích ra mỗi tháng 500.000 đồng đóng vào quỹ này thì cũng hợp lý”.
Quản chặt việc mua bán
Một trong những điều kiện để được mua nhà giá thấp là người mua nhà phải thuộc diện có thu nhập thấp (dưới mức trung bình của địa phương). Vì thế, tới đây các địa phương phải công bố mức thu nhập bình quân của địa phương để làm căn cứ xét chọn đối tượng được mua nhà.
Theo ông Nam, người dân đã mua nhà giá thấp nếu có nhu cầu đổi nhà thì chỉ được bán lại cho nhà nước hoặc chủ đầu tư. Chỉ khi đã ở quá 10 năm chủ nhà mới được quyền bán tự do ra thị trường. “Căn hộ là tài sản lớn nên nếu mua bán không hợp pháp, người mua sẽ phải chịu nhiều rủi ro. Mặt khác, nếu việc mua bán chui bị phát hiện thì căn hộ đó sẽ bị thu hồi” - ông Nam lưu ý.
Trả lời câu hỏi “Vì sao nhà nước không tránh tiêu cực bằng cách hỗ trợ tiền hoặc cho vay trực tiếp để giúp người thu nhập thấp ở đô thị mua nhà?”, ông Nam cho biết: Hiện nhà nước mới chỉ hỗ trợ tiền cho người nghèo ở khu vực nông thôn làm nhà ở vì họ đã có đất, chỉ cần số tiền trên 20 triệu đồng là đủ cất được một căn nhà. Trong khi đó ở đô thị, người chưa có nhà thường không có đất nên nếu hỗ trợ tiền thì họ cũng không làm được nhà. Còn hỗ trợ tiền cho người thu nhập thấp mua hẳn một căn hộ thì nhà nước không đủ sức.
“Điều quan trọng là phải làm sao cho có được nhiều nhà giá thấp, còn việc quản lý quỹ nhà này không đáng lo lắm. Số dự án được khởi công trong năm 2009 còn ít và điều này cần được đẩy mạnh trong năm 2010” - ông Nam nhấn mạnh.
Bán nhiều, ở chẳng bao nhiêu
“Tôi thấy loại nhà cho người thu nhập thấp ở đô thị không khác gì loại nhà được bao cấp theo cơ chế xin-cho như ngày xưa. Nhiều người sẽ nhanh chóng bán đứt nhà đó đi để lấy tiền, như vậy sẽ tạo ra khu vực mới cho nhà đầu tư thứ cấp.
Khi còn ở trong quân đội, tôi thấy nhiều cán bộ, sĩ quan… được phân nhà, phân đất nhưng 80% số nhà đất đó đã được chuyển nhượng chỉ sau một năm."
Ông Hồ Sĩ Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc MB
TP.HCM triển khai nhiều dự án nhà giá thấp
Tháng 12-2009, dự án chung cư dành cho người có thu nhập trung bình và thấp tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè được khởi công.
Dự án gồm hai khối nhà cao 18-20 tầng, cung cấp 520 căn hộ, hoàn thành vào cuối năm 2010. Giá bán dự kiến 10-12 triệu đồng/m2. Đây là một trong nhiều dự án được triển khai tại TP sau khi chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị có hiệu lực.