Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Tấm lòng phải đủ ấm, vì tiền rất lạnh

Minh Phúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là người có công lớn nhất đưa áo dài Việt Nam quảng bá khắp năm châu, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng: “Khi đứng trước một lựa chọn cách tân áo dài, nhà thiết kế phải có tấm lòng.

Tấm lòng bạn phải đủ ấm vì tiền rất lạnh. Phải cân nhắc thật kỹ, nếu không, đồng tiền lẻ bạn nhận được ngày hôm nay có thể phá vỡ cả một giá trị lớn, giá trị của bản sắc”.

Người ta vẫn thường nói, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng dường như hình ảnh nam, nữ mặc áo dài vẫn khiến người khác cảm thấy họ có văn hóa. Vậy theo bà, chiếc áo dài có nói lên văn hóa của người mặc không?

- Theo tôi, trang phục nói lên tâm hồn của bạn. Người mặc trang phục khác nhau sẽ khiến đối phương có suy nghĩ, cảm xúc không giống nhau về nội lực, tri thức, văn hóa của họ. Bao giờ cũng vậy, khi khoác áo dài lên, tất cả mọi người sẽ cảm thấy mình ăn mặc tươm tất hơn. Tại sao ngày Tết, thanh niên, trẻ em vẫn thường muốn được mặc áo dài? Bởi vì, bao thế hệ trôi qua, người ta vẫn coi áo dài là trang phục chạm đến đời sống tinh thần với một vị trí thiêng liêng. Do đó, mặc áo dài truyền thống dù cố tình hay thực sự vô thức, người ta vẫn tự tạo cho mình một tư thế mới.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu, thiết kế đam mê áo dài, bà thấy chiếc áo dài có nhiều thay đổi không?

- Áo dài thay đổi nhiều chứ. Cách đây chừng 20 năm, mọi người mặc áo dài không được tự do như bây giờ. Lúc đó, người ta coi áo dài như biểu trưng của văn hóa Việt, là một vẻ đẹp quá thơ mộng, là cái gì đó hơi xa cách với đời sống hiện tại. Giờ đây, tất cả phụ nữ đều tìm đến áo dài. Nếu như trước đây, chỉ có Huế tổ chức Festival áo dài (bắt đầu từ năm 2000), thì giờ đây, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức Lễ hội đặc biệt này. Tất cả đều khiến công chúng và những người làm nghề như chúng tôi cảm thấy phấn khích.

Nhưng vẫn còn rất nhiều người cảm thấy thiếu tự tin khi mặc áo dài, như người quá mập hay quá lùn hoặc khi trời mưa chẳng hạn?

- Áo dài khá đơn giản và tiện dụng, nó đi vào đời sống một cách nhẹ nhàng. Thực ra, áo dài rất dễ che khuyết điểm, kể cả đàn ông lẫn phụ nữ. Khi khoác lên mình chiếc áo dài, người phụ nữ dường như dịu dàng, mảnh mai hơn. Áo dài vừa che đi những khuyết điểm cơ thể, vừa tôn lên nét đẹp của người phụ nữ. Đối với người đàn ông, chiếc áo dài vẫn làm cho họ có uy lực. Quan trọng là quan điểm của nhà thiết kế đặt lên chiếc áo có đúng không, chất liệu có tốt không. Một thiết kế đúng bạn mặc mùa nào, lúc nào cũng được.

Theo từng thời kỳ, áo dài lại có những cách tân khác nhau. Thế nhưng, không phải cải tiến nào cũng đẹp, hợp với thuần phong mĩ tục. Gần đây nhất, mẫu áo dài cách tân kết hợp váy đụp có nhiều ý kiến trái chiều. Bà nghĩ gì về trang phục này?

- Về trang phục, tùy theo người sử dụng thích mặc thế nào, nhưng khi chúng ta làm mất đi những giá trị của một chiếc áo truyền thống thì tốt nhất đừng gọi nó với cái tên áo dài. Đó cũng có thể coi là một thảm họa vì khi tỷ lệ khác đi, trang phục ấy trở thành lai căng. Dĩ nhiên, trong quá trình tiếp biến về văn hóa, tìm ra được những giá trị mới bao giờ chúng ta cũng phải trả giá cho những thảm họa đó.

Cách tân là điều bắt buộc, vậy để phát triển, giới hạn của sự đổi mới phải như thế nào, thưa bà?

- Cách tân như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh văn hóa của người cầm kéo. Người cách tân áo dài phải đủ tri thức và tấm lòng, phải đưa ra những hình mẫu, bình dị, phù hợp với cuộc sống, dễ sử dụng, dễ làm con người thoải mái. Đã là áo dài thì phải dài và mặc với quần dài. Phải làm thế nào để giữ lại phần hồn của chiếc áo dài. Nó là trang phục tạo nên được sự sang trọng, thanh lịch, vẻ duyên dáng, nét gợi cảm trong sự đơn giản của người phụ nữ. Ở đó, không có sự diêm dúa, thô kệch, dung tục, dễ dãi,… mà chỉ có vẻ đẹp thanh cao, biểu lộ cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là công việc chúng tôi đang phải ngày đêm thực hiện.

Như bà nói, trọng trách này đang đặt nặng lên vai các nhà thiết kế, đặc biệt là nhà thiết kế trẻ?

- Đúng vậy, qua rất nhiều thảm họa về cách tân áo dài, tôi luôn nói với các nhà thiết kế trẻ rằng: Khi đứng trước một lựa chọn cách tân áo dài, nhà thiết kế phải có tấm lòng. Tấm lòng bạn phải đủ ấm vì tiền rất lạnh. Phải cân nhắc thật kỹ, nếu không, đồng tiền lẻ bạn nhận được ngày hôm nay có thể phá vỡ cả một giá trị lớn, giá trị của bản sắc. Thận trọng mà làm. Và con đường đó không làm bạn thành công được. Bạn phải đi đúng con đường chính đạo thì mới hái được “trái ngọt”.

Xin cảm ơn bà!