Với chủ đề “Đánh thức truyền thống”, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 diễn ra từ ngày 18/11 đến 3/12, nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng, ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo nói chung; góp phần gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế; từng bước hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo.
|
Các đại biểu tham dự Lễ trao giải Cuộc thi ''Designed by Viet Nam'' và bế mạc Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021. Ảnh: Minh An. |
Tuần lễ quy tụ nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, như: Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực Văn hoá Thủ đô”, tọa đàm “Đậm bản sắc”, chuỗi hoạt động POP - UP mang đến sự kết hợp của ba mô hình thiết kế và thủ công nội địa là Kilomet109, Sadec District và Collective Sonson; sự kiện “mở xưởng” giới thiệu không gian sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, nhà hoạt động sáng tạo tiêu biểu.
|
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn phát biểu. Ảnh: Minh An. |
Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho hay: “Tôi mới trở về từ Tây Ban Nha, một trong những ấn tượng của tôi là khi ở TP Barcelona đến ngôi nhà Gaudi. Điều tôi suy nghĩ nhiều là chính những ngôi nhà Gaudi đã truyền cảm hứng sáng tạo, trở thành điểm thu hút du khách của Barcelona. Ngôi nhà đã chứng minh sức mạnh, quyền lực của sáng tạo. Giờ đây, khi chúng ta ở giai đoạn phát triển mới của đất nước, chúng ta xây dựng một ngôi nhà không chỉ để ở, cây cầu không chỉ đề đi hay ngọn đèn đường không chỉ để chiếu sáng, tất cả phải trở thành công trình mang tính biểu tượng, nghệ thuật và niềm tự hào cho Thủ đô Hà Nội".
|
Mẫu thiết kế được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh An. |
"Chủ đề của Tuần lễ sáng tạo là “Đánh thức truyền thống” cho thấy giới trẻ không quay lưng lại với truyền thống. Vấn đề của chúng ta là chưa làm truyền thống trở nên hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Cuộc thi lần này giúp cho chúng ta thấy được rằng, khi làm cho truyền thống trở nên sống động hơn sẽ có được những người trẻ tuổi – tương lai của đất nước yêu văn hoá truyền thống, di sản văn hoá dân tộc. Điều này mang đến cho chúng ta nhiều hy vọng, tương lai văn hoá dân tộc luôn luôn được bừng sáng. Tôi nghĩ rằng, đó cũng chính là thông điệp quan trọng của cuộc thi lần này” - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
|
Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu. Ảnh: Minh An. |
Cũng tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Cuộc thi là một cơ hội để các nhà thiết kế trẻ có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình yêu của mình với lịch sử văn hóa giáo dục nói chung cũng như di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng. Hy vọng trong thời gian tới với nền tảng về những giá trị truyền thống của di tích, các nhà thiết kế sẽ có những sản phẩm thương hiệu đặc trưng của di tích để góp phần quảng bá cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng như giúp cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến việc phát triển văn hóa
Cũng trong thời gian này, Tuần lễ trưng bày 25 tác phẩm vào vòng chung kết từ Cuộc thi “Designed by Viet Nam”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 1 trao giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các tác giả. Theo đó, giải Nhất thuộc về tác phẩm “N.A.M” của nhà thiết kế Vũ Tá Linh (Hà Nội).
|
Nhà thiết kế trẻ đến từ Hà Nội Vũ Tá Linh (giữa) đạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: Minh An |
Theo Ban Tổ chức, “N.A.M” của Vũ Tá Linh đã kể một câu chuyện về phục trang rất đúng lúc. Tác phẩm là sự kết hợp các chất liệu sẵn có từ tủ quần áo của Vũ Tá Linh với những mảnh vải cổ và kỹ năng tạo tác chất liệu bằng phương pháp thủ công độc đáo. Tái sử dụng, tái thiết kế là một cách thức của lối sống bền vững. Vũ Tá Linh cũng đã thuyết phục ban giám khảo bằng sự nhất quán trong cách trình bày với bố cục chặt chẽ từ những bản phác thảo có hơi hướng cường điệu đến mẫu thật, bộ ảnh đến quyển lookbook.
Bên cạnh đó, giải Nhì thuộc về tác phẩm “Queen Chair” của SMA Studio (Hà Nội); giải Ba thuộc về tấc phẩm “Gió đánh cành tre” của tác giả Nguyễn Huỳnh Nam (Đồng Nai).
Ngoài ra, trong cơ cấu giải thưởng, Ban Tổ chức còn trao giải bình chọn trực tuyến cho tác phẩm “Mài” của nhóm tác giả đến từ TP Hồ Chí Minh; giải thưởng EDIDA 2022 từ ELLE Decoraton VietNam cho tác phẩm “3+ góc thưởng trà” của tác giả Nguyễn Xuân Lục (Hà Nội); giả Nhất thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám thuộc về tác phẩm “Khứ hồi” của tác giả Lưu Như Ngọc (TP Hồ Chí Minh).