Ngày 17/8, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, tuy không thiệt hại về người nhưng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 trên địa bàn TP này là hơn 15,1 tỷ đồng.
Theo thống kê sơ bộ, hiện TP Nha Trang có khoảng 140 khu vực trọng điểm, xung yếu có khả năng xảy ra ngập lụt do mưa lớn. Bên cạnh đó là 125 điểm có khả năng xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, ảnh hưởng tới 4.158 hộ, 17.021 dân.
Cụ thể, ngoài một số khu dân cư ven đồi núi có nguy cơ sạt lở đất đá còn có số dự án khu vực sườn đồi núi như: Khu đô thị hướng biển Nha Trang (Haborizon), Hòn Rớ, xã Phước Đồng; Khu đô thị Hoàng Phú, phường Vĩnh Hòa; Khu đô thị Đồi Xanh, xã Vĩnh Ngọc; dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc, Vĩnh Thái; dự án làng biệt thự sinh thái Giáng Hương, Đất Lành xã Vĩnh Thái.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, nhằm chủ động ứng phó, chỉ đạo, phối hợp chỉ huy các hành động, biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại một cách hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu.
Song song đó là nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố và chỉ huy, điều hành cũng như tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác PCTT. Cũng như nâng cao tính chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, UBND TP Nha Trang đã ban hành Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố nha trang năm 2022.
“Việc chủ động ứng phó với thiên tai, mưa bảo đảm bảo an toàn cho người dân được UBND TP đặt lên hàng đầu. Do đó, TP đã lên phương án chi tiết công tác ứng phó với từng cấp độ của bão, mưa lớn. Đặc biệt là phương án sơ tán hơn 10.259 hộ, 42.675 người dân ở các khu vực xung yếu đến nơi an toàn trong từng tình huống cụ thể...” – ông Nguyễn Sỹ Khánh chia sẻ.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, mới đây, Đoàn công tác của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra một số khu vực xung yếu về mưa lũ trên địa bàn TP Nha Trang. Về cơ bản, các đơn vị đã xây dựng xong phương án ứng phó thiên tai; phương án đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy định. Đơn vị quản lý hồ chứa cũng như các chủ đầu tư đã sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó trong điều kiện mưa, bão, hạn hán…
“Để phòng, chống, ứng phó thiên tai, TP Nha Trang yêu cầu các đơn vị liên quan trên địa bàn phải chủ động, tiến hành thường xuyên, kịp thời công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong thời gian xảy ra bão, lũ, lụt TP yêu cầu UBND các xã, phường cử người có trách nhiệm trực 24/24 đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến thời tiết và những tình hình xấu đột xuất tại xã phường mình về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP để kịp thời có hướng chỉ đạo hoặc phối hợp các lực lượng ứng cứu” – Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, từ tháng 7 đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn.
Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.