"Nhà trọ 0 đồng" thắp sáng niềm hy vọng cho bệnh nhân ung thư
Kinhtedothi - Để bệnh nhân ung thư và người nhà có nơi nghỉ ngơi, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh đã quyết định cải tạo căn nhà của mình thành nhà trọ 0 đồng.
Trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ 4 Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cách Bệnh viện K chưa đầy 800 mét, “nhà trọ 0 đồng” của chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (45 tuổi, Hà Nội) luôn nhộn nhịp. Không chỉ là nơi che mưa che nắng, nhà trọ ấy còn là điểm tựa tinh thần, hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn và người thân của họ thắp lên niềm hy vọng, lạc quan trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Chị Kiều Oanh trò chuyện, động viên người thân và các bệnh nhân ung thư đang ở tại nhà trọ 0 đồng.
Từ lòng trắc ẩn đến hành động thiết thực
Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, thấu hiểu cảnh sống “cơm không đủ no, áo không đủ ấm”, chị Kiều Oanh bắt đầu tham gia hành trình phát cơm từ thiện tại các bệnh viện lớn từ năm 2018. Trong một lần đến Bệnh viện K làm từ thiện, khi chứng kiến cảnh bệnh nhân ung thư và người nhà vạ vật ngoài hành lang, chị Oanh trăn trở và mong muốn giúp đỡ các bệnh nhân.
“Lần đầu đến viện K tôi bất ngờ lắm, bởi ngoài cổng viện nhiều người cầm biển cho thuê trọ nhưng trong viện, vẫn có hàng trăm bệnh nhân mệt mỏi phải ngồi vạ vật, ngủ trên ghế, trên sàn vì không đủ thuê một căn phòng. Tôi thấy thương lắm nên ý nghĩ đơn giản nảy ra trong đầu luôn: Nhà mình rộng, không ở hết, chỉ để xe thôi? Vậy sao không làm nhà trọ cho mọi người nghỉ tạm?”.
Nghĩ là làm, chị Kiều Oanh sẵn sàng bỏ ra hơn 100 triệu đồng từ nguồn của cá nhân để cải tạo tầng 1 ngôi nhà thành nhà trọ miễn phí. “Nghĩ cái là làm luôn”, chị cười, nhớ lại quyết định táo bạo.
Ban đầu, chị chỉ định hỗ trợ chỗ nghỉ qua đêm, căn nhà cũng đơn sơ chỉ có 4 chiếc giường tầng và chiếu trải. Thế nhưng khi thấy bệnh nhân cần ở lâu dài để khám chữa hay xạ trị, chị bổ sung thêm các tiện nghi sinh hoạt từ căn bếp nhỏ đến nhà vệ sinh hay chăn, gối, tạo không gian sạch sẽ đủ chỗ cho 16 người.

Chị Kiều Oanh dành thời gian nấu cơm và cùng ăn với các bệnh nhân như người nhà.
Mỗi tháng, chị Oanh chi khoảng 1 triệu đồng cho điện nước, tự mình gánh vác các khoản phí khác tại nhà trọ mà không kêu gọi quyên góp.
“Chi phí duy trì nhà trọ không quá nhiều so với khả năng, nên từ đầu đến cuối tôi chủ trương tự làm hết. Nhiều mạnh thường quân liên hệ để xin gửi tiền cho các bệnh nhân ung thư đang ở trọ nhưng tôi không nhận tiền, chỉ có những đồ dùng mà người bệnh cần như tấm nệm hay chiếc rèm cửa… thì các mạnh thường quân có thể trực tiếp đến gửi”, chị Kiều Oanh chia sẻ.
Chỗ dựa tinh thần giúp các mảnh đời khó khăn chiến đấu với bệnh tật
Nhà trọ 0 đồng của chị Kiều Oanh mở ra không chỉ là nơi nghỉ ngơi cho các bệnh nhân mà còn trở thành cộng đồng sẻ chia giữa những người bệnh. Bệnh nhân từ Nam Định, Sơn La, Hòa Bình, Tây Nguyên… mang theo hành trang là những túi quần áo cũ và nỗi lo tài chính. Thế nhưng tại đây, họ tìm thấy sự động viên từ chị Oanh và những người đồng cảnh ngộ.
“Mọi người sống như gia đình, ai đến trước nằm trước, ai đi thì dọn dẹp ngăn nắp, giường chiếu sạch sẽ, để lại chỗ trống cho người đến sau”, chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi, Hải Dương) cho biết.

Tại nhà trọ, các bệnh nhân nương tựa vào nhau, chăm sóc, quan tâm, động viên lẫn nhau như người thân trong gia đình.
Chị Hà đã ở nhà trọ 0 đồng được 1 tháng, thời gian xạ trị dài lại mệt mỏi vì bản thân không có điều kiện tài chính. Chị Hà tâm sự: “May mắn khi tôi biết đến nhà trọ của chị Oanh, khi vào ở đây, tôi cũng bất ngờ vì mọi người chào đón rất nhiệt tình, luôn mang năng lượng vui vẻ. Chị Oanh luôn cố gắng tạo điều kiện hết mức cho chúng tôi khiến tôi như được động viên, có thêm tinh thần lạc quan để chữa bệnh”.
Không chỉ giúp về vật chất, chị Kiều Oanh còn tích cực động viên, truyền nghị lực sống cho bệnh nhân nghèo tại nhà trọ. Chị Kiều Oanh kể có một bệnh nhân nữ, sinh năm 1989 ở Cao Bằng khi đến nhà trọ rất suy sụp vì khối u to, không muốn chữa trị.
“Khi ấy tôi vừa mắng vừa động viên rằng: “Kể cả sống một ngày, em cũng phải sống ý nghĩa, đừng nằm khóc mà phí thời gian yêu thương gia đình”. May sao em ấy đồng ý chữa trị, rồi phát hiện u lành, mổ thành công”, chị Oanh vui vẻ nói.
Cũng có một bệnh nhân nam ở Nam Định, bị u vòm họng, được bệnh viện trả về, nhưng chị Oanh vẫn tích cực đến khuyên và giúp chú tiếp cận những bài thuốc dân gian khác. Đến nay chú đã tiến triển hơn rất nhiều. Chị Kiều Oanh kể: “Có lần chú gọi điện đến mà không nói được, chỉ cười và chào suốt thôi. Nhìn chú, tôi vừa thường mà vừa vui vì bản thân đã truyền được niềm vui đó đến với chú”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào lòng tốt cũng được đáp lại. Chủ nhà trọ 0 đồng từng rất buồn khi một bệnh nhân được kêu gọi hỗ trợ hàng chục triệu đồng nhưng không dùng tiền để chữa bệnh, thậm chí cắt liên lạc. “Buồn lắm, lúc đó tôi cảm giác mất niềm tin. Đó cũng là một trong những lý do tôi quyết định không nhận đóng góp từ bất cứ ai. Các mạnh thường quân nếu thương thì đến trực tiếp, gặp các bệnh nhân và ủng hộ cho họ”, chị Kiều Oanh tâm sự.
Ngoài chỗ ở, chị Kiều Oanh còn cung cấp cơm miễn phí, hỗ trợ tiền xăng xe, thuốc men và quần áo. Chị tư vấn chế độ ăn uống, cảnh báo bệnh nhân tránh bị lừa đảo. “Tôi tuyệt đối khuyên họ không mua sản phẩm chức năng hay sữa bổ sung được bán ngoài cổng viện. Nhiều đơn vị cũng đến chào mời, nhưng tôi không cho bán gì hết”, chị Kiều Oanh nhấn mạnh.
Ước mơ lan tỏa lòng nhân ái
Trước nhà trọ 0 đồng, chị Oanh đã có 6-7 năm làm thiện nguyện, từ nấu cơm từ thiện khi dịch Covid-19 bùng phát đến hỗ trợ người dân vùng lũ. “Tôi làm tùy duyên, thấy chỗ nào khó quá thì giúp, có thiên tai thì kêu gọi anh em cùng làm”, chị Kiều Oanh kể. Dù gia đình từng lo ngại việc đón người bệnh vào nhà ở cùng nhưng chị vẫn kiên trì giải thích và dốc lòng làm việc thiện.

Chị Kiều Oanh trong chuyến đi thiện nguyện giúp người dân tại Gia Lai.
Dù bận rộn với công việc kinh doanh, chị Kiều Oanh vẫn duy trì nhà trọ 0 đồng mà không áp lực hay cảm thấy gánh nặng. “Tôi làm từ tâm, không kêu gọi thường xuyên, chỉ mơ ước có một ngày mở trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc viện dưỡng lão miễn phí cho người già. Ban đầu tôi mở “Từ Tâm Đường” (nhà trọ 0 đồng) này cũng để chăm sóc người già và mai sau, đó sẽ là viên gạch cho giấc mơ lớn hơn”, chị Kiều Oanh hào hứng nói về những dự định trong tương lai.
Nhà trọ 0 đồng của chị Kiều Oanh không chỉ là nơi trú chân mà còn là nguồn động viên, tiếp sức cho các bệnh nhân ung thư. Chị Kiều Oanh tâm niệm, giúp người là niềm vui, là cách để lan tỏa yêu thương. “Tôi tin rằng, mình tốt thì không ai hại mình” - chị Kiều Oanh cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Gia tăng bệnh nhân mắc sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố
Kinhtedothi - Ngày 29/3, Bộ Y tế có Công văn hỏa tốc số 1817/BYT-KCB về việc tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm ung thư
Kinhtedothi - Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn Hà Nội nhằm kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh, tử vong sớm do ung thư.

Hậu điều trị ung thư, Hồng Nhung tái xuất hát nhạc Trịnh
Tối 1/4, khán giả TP Hồ Chí Minh đổ về đường sách Nguyễn Văn Bình xem đêm nhạc "Đồng dao hòa bình". Dù trời mưa, họ vẫn nán lại thưởng thức nhạc Trịnh.