KTĐT - Nhìn lại con đường văn chương gần 50 năm, nhà văn Ma Văn Kháng thấy bất ngờ vì sự bền bỉ của mình. Nhìn về phía trước, ông nói: “Tuổi cao rồi, ham hố làm gì, chả bõ để người ta cười”.
- Thưa nhà văn, sau mấy chục năm gắn bó với nghề, nhìn lại chặng đường đã qua của mình, ông có xúc cảm gì?
- Từ khi truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng trên báo Văn học tháng 3.1961 tới nay, tôi cặm cụi với công việc viết văn đã gần 50 năm. Nhiều nhà văn bạn tôi cũng tương tự. Nhưng trong những năm tháng ấy, chúng tôi vừa viết văn vừa làm các công việc được xã hội phân công và ăn lương khác nữa. Có nghĩa là chúng tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp ngay từ đầu và rất lâu về sau. Nghĩ lại quãng đời viết văn của mình, tôi thấy hơi bất ngờ là tại sao mình lại bền bỉ, chịu thương chịu khó đến thế!
- Ông đang ở tuổi 73, lại bị bệnh động mạch vành, nhưng vẫn cho ra đời những tác phẩm chất lượng. Để làm được điều đó, chắc hẳn ông đã phải khá vất vả chống chọi với bệnh tật?
- Không, tôi có chống chọi được bệnh tật đâu. Tháng 10/2007, tôi nong động mạch vành bị tắc, phải đặt 3 stent (ống thông mạch máu), từ đó coi như mang trọng bệnh, có viết thêm gì đáng kể đâu. Cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa và hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương tôi viết từ trước lúc ốm. Từ lúc mang bệnh, tôi chỉ sửa chữa, viết lách nhì nhằng thôi. Tuổi cao rồi, ham hố sao được. Mà ham hố làm gì, chả bõ để người ta cười cho.
- Nổi tiếng với những tác phẩm về đề tài vùng cao, kỷ niệm nhà văn nhớ nhất về con người ở đó là gì?
- Tôi sống ở tỉnh miền núi Lào Cai 22 năm. Chừng ấy thời gian để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đong đầy. Kỷ niệm nào cũng in sâu trong cuộc đời tôi. Những kỷ niệm ấy tôi đã viết gần hết vào cuốn hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương rồi.
Bây giờ, dù rất muốn, tôi không quay lại đó để viết được như trước nữa, vì sức khỏe không cho phép.
- Sinh ra ở Hà Nội, sau 22 năm gắn bó với núi rừng, ông lại quay về. Hà Nội có vị trí như thế nào trong mắt và trong văn ông?
- Tôi sinh ra ở làng Kim Liên, nay là phố Kim Hoa, phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. Tôi yêu và có rất nhiều kỷ niệm với Hà Nội. Tôi cũng đã viết rất nhiều truyện ngắn về Hà Nội cùng hai cuốn tiểu thuyết Chó Bi, đời lưu lạc (1992) nói về cuộc sống của người Hà Nội, những biến động chiến tranh sau giải phóng, và Võ sĩ bên đài (1986) phản ánh phong trào thể thao, võ nghệ của sinh viên Hà Nội. Những tác phẩm này phần nào giúp mọi người hiểu Hà Nội hơn. Rất tiếc vì tuổi cao sức yếu, chắc tôi không viết tiếp được nhiều tác phẩm như thế nữa. Nhưng ngẫm lại, tôi thấy không có gì hối hận bởi đã góp phần giới thiệu Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về cuộc sống hiện tại của mình?
- Tôi có người vợ hiền hậu, rất thương yêu chồng con. Chúng tôi có hai con. Con gái lớn là thạc sĩ, đang dạy ở trường Hà Nội - Amsterdam. Con trai thứ hai là kỹ sư làm việc ở Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải. Chúng tôi có hai cháu ngoại, một cháu nội. Cuộc sống có đủ buồn, vui, lo toan, vất vả và hạnh phúc như cả triệu gia đình bình thường khác.
“Sống đã rồi mới viết. Viết là hệ quả tất yếu của sự trải nghiệm” là phương châm sáng tác của nhà văn Ma Văn Kháng. Một số tác phẩm thành công của ông trước đây gồm: Đồng bạc trắng hoa xòe, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú… Ông được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam (1985), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng văn học Đông Nam Á – ASEAN (1998). Năm 2009, ông xuất bản tiểu thuyết Một mình một ngựa và hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương. Cuốn Một mình một ngựa nhận giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội. |