Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Nguyễn Bình Phương trúng vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới với số phiếu cao nhất

Vĩnh Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một ngày làm việc với những phát biểu tham luận và bỏ phiếu, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam đã bầu ra Ban chấp hành khoá X nhiệm kỳ 2020-2025.

Chiều 24/11, ngày thứ hai Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra với việc bầu Ban chấp hành và Ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, danh sách Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá X gồm 11 người, theo số phiếu thứ tự từ cao xuống thấp gồm có: Nhà văn Nguyễn Bình Phương (469/531 phiếu). Kế tiếp theo nhà văn Nguyễn Bình Phương là nhà văn Nguyễn Quang Thiều; nhà thơ Trần Đăng Khoa; nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; nhà văn Lương Ngọc An; nhà văn Khuất Quang Thuỵ; nhà văn Vũ Hồng; nhà văn Trần Hữu Việt; nhà văn Trần Hùng; nhà văn Phan Hoàng; nhà văn Bích Ngân.
  Toàn cảnh Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá X.
Cũng trong chiều nay, nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ IX đã xin rút ứng cử vào Ban chấp hành mới. Theo kế hoạch, sáng ngày 25/11 Đại hội sẽ bầu ra Ban kiểm tra và bầu chức vụ Chủ tịch và Phó chủ tịch và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá X nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ chính thức ra mắt Đại hội.
Một kỳ Đại hội luộm thuộm và buồn
"Đại hội được tổ chức luộm thuộm, cho đến cuối ngày đại hội, nhà văn Trần Văn Tuấn, đại diện Ban chấp hành lên xin lỗi đã không sâu sát, giấy mời là kết thúc Đại hội vào chiều 24/11 nhưng có sự thay đổi, Ban chấp hành mời lại chương trình sẽ được tổ chức vào sáng ngày 25/11, mời các hội viên có mặt vào 8 giờ sáng. Chỉ một việc nhỏ đó thôi, các hội viên cần tham gia nhiều vào ban chấp hành làm gì?" - nhà thơ Hoàng Quý, Ban Văn học Công Nhân, TP Vũng Tàu chia sẻ.
Cũng theo nhà thơ Hoàng Quý, tất cả thành viên tham gia đại hội là những hội viên ở xa rất buồn về khâu tổ chức Đại hội, điều các thành viên cần khi về với Đại hội Nhà văn Việt Nam là xem văn chương làm được gì, cần phải làm gì cho Tổ quốc, cho đất nước, cho nhân dân.
"Cần phải mổ xẻ tại sao lại tồi tệ đến thế này, mỗi ngày một yếu kém đi. Những tác phẩm đỉnh cao là chúng ta tự nói với nhau, ta tự khen ngợi lẫn nhau và sự thực chưa là gì so với mặt bằng văn chương thế giới. Đó là điều đáng buồn và là điều đáng lo. Vậy thì việc cần phải bàn ở Đại hội là sau 5 năm chúng ta làm được gì, những tác phẩm của chúng ta đã tốt thì tốt ở chỗ nào, có yếu kém thì yếu kém ở chỗ nào. Mà lực lượng mỗi ngày một đông, chất lượng chẳng đến đâu" nhà thơ Hoàng Quý khẳng định.
 
Đặc biệt, đại diện Ban Văn học Công Nhân, TP Vũng Tàu  cho rằng, nên đặt ra câu hỏi tại sao đạo đức xã hội ngày một xuống cấp, nhà văn ở đâu, tác phẩm ở đâu và Đại hội cần đặt ra câu hỏi để tranh luận và không phải để chỉ bầu phiếu.
"Chúng tôi rất buồn về điều đó, khi chỉ ra đây để bầu chọn Ban chấp hành mới. Trong khi điều cần nói là về mấu chốt văn chương hôm nay khác với văn chương ngày trước khi chúng ta có kẻ thù trực diện, chúng ta cần có cuộc chiến tranh giải phóng, thì chúng ta phải làm gì, cần đi đâu thì không ai bàn, cả một ngày không ai bàn gì về điều đó, người tham luận lên nói không ai nghe. Bởi, không phải các nhà văn vô ý thức, các nhà văn rất có ý thức nhưng vì nhiều năm nay tổ chức luộm thuộm, các hội viên ra đây vì nghĩa vụ, ra đây vì bạn bè, gặp gỡ hỏi thăm nhau là chính" - đại diện Ban Văn học Công Nhân, TP Vũng Tàu nói thêm.