Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã mang gạo lên chùa

Nhà văn Trần Thị Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghe tin tác giả của các tác phẩm lớn “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”- Nguyễn Xuân Khánh qua đời chiều hôm qua (12/6) tôi không ngạc nhiên nhưng quá thương tiếc. Không ngạc nhiên vì biết ông ốm đã lâu, mấy năm liền chỉ nằm, khi nào khá lắm, có khách đến vợ ông mới đỡ ông ngồi dậy và cũng chỉ ngồi nhìn xa xăm về đâu đó, tai như không nghe nhưng vẫn nhận biết. Ốm đến mức, người thăm ông ốm nhiều lần nhất như nhà giáo Phạm Toàn tác giả (“72 chiếc cối đá” và nhiều cuốn khác nữa) cũng đã đi trước ông 2 năm rồi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm ''Chuyện ngõ nghèo''. Ảnh: Nguyên Ngọc
Lối sống chỉn chu của người Hà Nội
Các nhà văn cùng lứa như: Phạm Toàn, Dương Tường, Lê Bầu, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn… chơi thân với nhau, mỗi người mỗi vẻ, người nào cũng tài văn chương nhưng dường như người nào cũng lận đận đủ đường. Bốn ông trong đó giờ đã yên nghỉ rồi, lận đận hay vinh quang cũng để lại cõi trần rồi, chỉ còn Dương Tường, gầy nhất là vẫn cương cường.

Còn nhớ, một lần Phạm Toàn và Nguyễn Xuân Khánh xuống nhà tôi chơi. Ngày hè, Phạm Toàn mặc áo phông và quần sooc, Nguyễn Xuân Khánh quần dài, sơ mi tay cũng dài, còn cài khuy măng séc. Quen biết nhau lâu nhưng Nguyễn Xuân Khánh không bao giờ bỗ bã xuồng xã, (vì các ông luôn đùa, nói tôi là người cùng cánh đàn ông với nhau) vẫn giữ lối chỉn chu của người Hà Nội cổ như vậy. Ăn nói cũng nhỏ nhẹ, khẽ khàng, từ tốn, kể cả lúc bọn trẻ trêu chuyện yêu đương hồi “nhẹ dạ cả tin” của ông, ông cũng chỉ cười nhỏ nhẹ, không phản ứng.

Hồi đó, ông vẫn còn dịch sách lấy tên khác, viết sách cũng lấy tên khác. Chuyện của chúng tôi là chuyện về một thời, cái thời một số nhà văn phải đổi tên thì mới tồn tại. Để có gạo ăn hàng ngày, Nguyễn Xuân Khánh một mặt vẫn dịch thuê nhưng hàng ngày nuôi lợn, may áo bông trần (bằng vải vinilon đen bên trong lót chăn dạ cũ thải ra từ bệnh viện) để vợ mang ra chợ trời bán. Tôi ít hơn các ông gần 20 tuổi nhưng nỗi khổ của thời bao cấp với một gia đình có người cũng mắc cảnh tương tự, bản thân tôi cũng may áo bông trần bằng dạ cũ nên chuyện chả bao giờ dứt. Đôi lúc cao trào, chúng tôi vẫn cười đùa, chảy nước mắt mà nói rằng: “Viết càng hay, càng có tài thì càng bị… ghét, bị cấm, bị soi mói”. Nói thế, nhưng chả người nào để bụng những chuyện ấy, ai làm ra nông nỗi ấy, âu cũng là… hoàn cảnh tất yếu của “non trẻ” mà ra…

Viết những gì đẹp đẽ nhất cho đời

Năm 2001, khi ra cuốn “Hồ Quý Ly”, ông có tặng tôi. Đọc hơn 30 trang đầu, tôi thấy nặng quá, lại bận nên chưa đọc tiếp. Trước khi gặp ông do Phạm Toàn hẹn, tôi đành đem ra đọc. Ai ngờ, không thể dứt ra được cho đến trang cuối. Hay “dã man”, tôi bảo với ông thế. Ông cốc nhẹ vào đầu tôi nói: “Tiểu thuyết cơ mà, cuốn nào những trang đầu chả tẻ nhạt… ngốc ạ”. Cuốn đó tái bản liên tục, lại đạt giải thưởng nữa, có lẽ là động lực để ông tuôn trào những gì ấp ủ, cất giữ trong tâm hồn từ những năm bị kiềm chế. Cùng với “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, người ta gọi đó là bộ ba cuốn tiểu thuyết, mà đọc nó sẽ thấy cả lịch sử Việt Nam, những nhân vật tài hoa, đức độ, xuất sắc ở các phương diện khác nhau trong bức tranh toàn cảnh nhiều yếu tố dân gian được đan cài rất sinh động, tài tình. Nếu “Hồ Quý Ly” là một câu chuyện đau thương, nhiều kịch tính của dân tộc thì "Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” vẫn một bút lực sung mãn giấu dưới những dòng văn chảy chầm chậm, ông đã biểu đạt một tinh thần văn hóa dày dặn của những ngôi làng Bắc Bộ trong những trang viết ảo diệu. Người đọc thấy ở đó cái nhìn hiện đại về dân tộc, về lối sống của người Việt.

Ông sinh năm 1933 tại Hà Nội. Học trường Đại học Y Hà Nội nhưng lại mê văn học, ông viết văn và dịch sách cho đến khi bị dừng lại, với những lý do rất ấu trĩ một thời. Ông sống nhiều năm ở ngõ 181 Trần Khát Chân, có thể “Chuyện ngõ nghèo”, là chuyện cuộc đời nhà văn của chính ông. Một thế giới nghèo đến mức, nuôi lợn để lợn nuôi mình, vừa khó nhọc vừa kiếm được từ đó những niềm vui nho nhỏ. Ông mô tả những cuộc va chạm người - lợn bằng một trí tưởng tượng phong phú và tài hoa. Nguyễn Xuân Khánh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn “Chuông nguyện hồn ai”.

Giờ thì các ông Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn, Phạm Toàn đang chuẩn bị đón Nguyễn Xuân Khánh cho đủ một mâm 4 người trên cõi thiên thai. “Lúc chén rượu, lúc cuộc cờ” cho dù chả ông nào uống nhiều, các ông cầm chén để lấy đà cho các câu chuyện cũ được nói ra, cho các ông được nhắc đến tên thật của mình cùng với những cuốn sách đã viết, đã in và còn cuốn nào còn đang dang dở.

Hôm nay, tiễn ông Nguyễn Xuân Khánh và cũng hẹn các ông, kẻ đi sau này sẽ mang những bài viết này lên trên đó, trình các ông rằng, còn lại một ngày bọn em còn nghĩ về các anh rất nhiều và học các anh rằng, còn một ngày còn phải viết những điều đẹp đẽ cho đời.
Có người cho rằng “Chuyện ngõ nghèo” xuất bản năm 2016 là tác phẩm xuất sắc nhất và được nhiều bạn đọc thích nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhưng lúc đó ông đã có trong tay rất nhiều giải thưởng. “Hồ Quý Ly” - Giải tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000, giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội 2002, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001. “Mẫu thượng ngàn” - Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. “Đội gạo lên chùa” giành Giải thưởng cao nhất Hội Nhà văn Việt Nam 2011.