KTĐT - "Phải nói thật là nếu như còn trẻ, tôi sẽ lập tức bỏ nghề, ra ngoài để làm một cái gì đấy. Nhưng lúc đó tôi đã 46 tuổi, không đủ năng lượng để từ bỏ", Nhà văn Y Ban trải lòng.
- Trước đây, chị từng cho rằng không nên đưa những điều ám chỉ cá nhân vào trong văn chương, nhưng dường như sau sự cố "I am đàn bà", chị đã thay đổi quan niệm viết?
- Trước đây tôi rất ghét văn chương ám chỉ, viết văn để xả nỗi đau. Nhưng trong tập này, ở một vài truyện đã có dấu ấn của điều đó. Tôi cảm nhận đó như một cách trốn chạy của mình. Trước đây, mình phán xét mọi người, giờ đây tôi đã hiểu họ và để họ phán xét mình.
Rõ rệt nhất là truyện ngắn Cõi thù hận, nhân vật ở đó không thể thoát ra được sự thù hận, dù muốn thoát ra với suy nghĩ “nếu tha được cho người cũng là tha được cho mình”. Dường như đó cũng là nỗi niềm của tôi. Nỗi đau khủng khiếp mà tôi đã trải qua, dù có sống lại vài kiếp người nữa, tôi cũng không muốn gặp phải.
Dù tin trong cuộc đời, người ta gieo cái gì thì sẽ gặt cái ấy, nhưng tôi vẫn tự hỏi “mình có xấu xa đến mức phải chịu như thế không?”. Tôi luôn răn mình phải ngẩng cao đầu và sống trung thực nhưng tôi không khéo, lại quá thẳng thắn.
- Chị là nhà văn, đồng thời cũng là một công chức. Trong những câu chuyện chị viết, không khó để nhiều đồng nghiệp của chị nhận ra bóng dáng của họ trong đó. Chị có e ngại điều này?
- Thực ra họ đã nhận ra rồi. Truyện ngắn Cõi thù hận được tôi viết đúng trong thời điểm căng thẳng lên đến đỉnh điểm và đăng trên báo Lao Động, sau đó được đưa lên mạng. Rất nhiều người thì thầm, nhận ra người nọ người kia. Nếu sợ thì tôi đã sợ những thứ lớn lao hơn nhiều. Đã có lúc, tôi còn định viết tiểu thuyết ba xu và sẽ bày hết lên tất cả. Nhưng rồi tôi nhận ra có những nỗi đau của mình không phải của chung, phải chọn được cái chung cho bạn đọc đồng cảm.
Khủng khiếp nhất với tôi là ngày hôm qua người ta còn đang ủng hộ mình, xung quanh nào chị, nào em, nào bạn tớ; nhưng khi gặp khó khăn, người ta vì cơm áo gạo tiền mà xa lánh mình. Lúc ấy tôi hiểu hơn ai hết thế nào là giậu đổ bìm leo. Mỉa mai thay, sau khi sóng yên bể lặng, tôi nhận được những lời xin lỗi và giờ tôi đã biết sống hơn. Lắm lúc tôi phải cười mà gần như giả dối.
- Sao lúc đó chị không dứt bỏ, để đến nỗi phải sống khổ sở và trút nỗi niềm vào con chữ?
- Phải nói thật là nếu như còn trẻ, tôi sẽ lập tức bỏ nghề, ra ngoài để làm một cái gì đấy. Nhưng lúc đó tôi đã 46 tuổi, không đủ năng lượng để từ bỏ. Con người có tính cách nào thì sẽ có hệ lụy ấy, nên trong tác phẩm của tôi có sự day dứt, giữa một bên là con người cũ và một bên muốn đạp tung ra. Nó là dấu ấn của thế hệ. Nhìn thế hệ 8X-9X bây giờ mình rất nể, họ dám nghĩ, dám làm.
- Mỗi cuốn sách đều ghi dấu ấn tuổi tác trong cách suy nghĩ. Chị có sợ nhiều năm nữa đọc lại sẽ thấy mình nông nổi?
- Không biết sau này tôi sẽ đọc lại văn chương của mình trong tâm trạng nào. Có lẽ, nếu biết tha thứ cho mình, chắc tôi sẽ bảo: “Hồn nhiên đấy chứ nhỉ, sao lúc ấy tươi trẻ và trong sáng thế!”. Còn lúc nào không tự tha thứ được thì sẽ tự trách: “Sao lúc ấy khờ khạo và ngu ngốc thế!”.
Tôi hay nghi ngờ, nhưng lại vẫn cả tin lắm. Lúc cần nghi ngờ thì lại nhẹ dạ, rồi mới ớ ra “thôi chết mình bị lừa”, rồi hận… Nhưng nhờ đó mà có cái để kể cho độc giả.