70 năm giải phóng Thủ đô

Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội: Vừa thiếu, vừa kém chất lượng

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với dân số đông, số lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại Hà Nội lại rất ít, không đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Đáng nói, những nơi đã lắp đặt NVSCC lại tồn tại không ít bất cập, gây mất vệ sinh môi trường và tạo ra hình ảnh nhếch nhác trên các tuyến phố.

Nhà vệ sinh công cộng tại cổng phụ bến xe Mỹ Đình nhếch nhác và phát tán mùi hôi nồng nặc. Ảnh: Vũ Khoa
Nhà vệ sinh công cộng tại cổng phụ bến xe Mỹ Đình nhếch nhác và phát tán mùi hôi nồng nặc. Ảnh: Vũ Khoa

Tồn tại nhiều bất cập

Tại các đô thị tiên tiến, vấn đề NVSCC luôn được các nhà quy hoạch quan tâm bởi tác dụng trong đảm bảo môi trường, giữ cho mỹ quan TP sạch đẹp, hiện đại. Trong đó, việc sắp xếp nhà VSCC thuận tiện, dễ tìm giúp ích rất nhiều cho các tài xế đang tham gia giao thông. Tại các quận trung tâm TP Hà Nội, NVSCC về cơ bản phục vụ tốt cho người dân, nhất là tại các điểm tập trung đông người như những tuyến phố đi bộ.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), hiện nay, trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây chỉ có 373 NVSCC. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa với 244 nhà. Số lượng ít ỏi còn lại rải rác ở các quận khác cho thấy sự thiếu hụt NVSCC, nhất là với đô thị có xấp xỉ 8,5 triệu dân như Hà Nội.

Trên nhiều tuyến đường thường xuyên ùn tắc, người dân lỡ có “nhu cầu” cũng đành cắn răng chịu đựng vì tìm mỏi mắt mà không có nổi một NVSCC. Chưa kể, những tuyến đường đại lộ cũng không có sự hiện diện của NVSCC phục vụ cho người dân, du khách.

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi phóng uế bừa bãi sẽ bị phạt từ 150.000 - 250.000 đồng. Thực tế, hành vi phóng uế bừa bãi dù đã có phần thuyên giảm nhưng vẫn không phải là khó bắt gặp. Thế nhưng xoay quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, chính vì hệ thống NVSCC chưa đáp ứng được đủ nhu cầu, dẫn đến nhiều lúc người dân buộc phải “phóng uế” bừa bãi vì không có lựa chọn.

Ngay cả tại những điểm đã được bố trí, bất cập cũng phát sinh khiến NVSCC không những không phát huy được giá trị, ngược lại còn gây bức xúc. Ví dụ như NVSCC đặt tại cổng phụ Bến xe Mỹ Đình, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khu vực này luôn “nặng mùi” do người dân “xả” ra lề đường vào buổi tối, khi nhà vệ sinh khóa cửa.

Ngay ở lối vào, dòng nước màu nổi váng chảy lênh láng khiến bất kỳ ai bước vào cũng phải bịt mắt, bịt mũi. Khi được hỏi, không ít người cho biết sẽ chấp nhận vào quán cà phê mua cốc nước vài chục nghìn đồng rồi đi vệ sinh nhờ chứ không dám sử dụng NVSCC.

Thiếu chi phí duy tu, bảo trì

Hàng ngày từ 8 - 10 giờ đồng hồ, công nhân Nguyễn Mai Anh thuộc Công ty TNHH MTVT Môi trường đô thị Hà Nội (Chi nhánh Đống Đa - Urenco 4) đều đặn làm công việc vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao, đồng thời trông coi, dọn dẹp NVSCC trên đường Láng. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, chị Nguyễn Mai Anh cho biết, thiết bị cả trong lẫn bên ngoài nhà vệ sinh đều hỏng hóc đã lâu khiến công việc hàng ngày thêm phần vất vả.

Theo đó, các van, vòi dẫn nước, xả nước đều hỏng hóc nên người dân sau khi đi vệ sinh phải dội bằng gáo. Bể chứa phục vụ cho dọn rửa nhà vệ sinh này cũng bị rò rỉ, khô cạn nên để có nước dùng, chị Nguyễn Mai Anh thường xuyên phải xách xô đi xin các hộ dân xung quanh. Sau khi kiến nghị, lãnh đạo xí nghiệp đành hỗ trợ khắc phục bằng cách trữ nước trong một thùng rác công nghiệp loại 60 lít.

Sự xuống cấp diễn ra ở đa số các NVSCC cho thấy công tác duy tu, bảo trì còn đang tồn tại nhiều vấn đề. Điều này gây ra hệ lụy như lãng phí, ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương xây dựng TP xanh, sạch, đẹp và văn minh. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội cần yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát các NVSCC hỏng hóc để sớm chấm dứt những bất cập đang tồn tại, phục vụ ổn định cho nhu cầu của người dân.

Chia sẻ với phóng viên, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Urenco Nguyễn Thị Thanh cho biết, Urenco hiện đang thực hiện duy trì làm sạch các NVSCC trên địa bàn 5 quận, bao gồm 176 nhà các loại gạch, bằng thép. Đến nay, một số NVSCC bằng gạch xây dựng lâu năm (trước năm 1990) đã xuống cấp, hư hỏng như phần tường gạch cũ kèm ẩm mốc; các nhà vệ sinh thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ; hệ thống thiết bị hỏng; đèn chiếu sáng đa phần không hoạt động, ảnh hưởng đến việc sử dụng phục vụ cộng đồng, gây mất mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, công tác duy tu còn gặp nhiều khó khăn và chỉ dừng lại ở việc sửa chữa nhỏ lẻ. Bởi căn cứ theo hợp đồng duy trì các NVSCC chỉ chi trả cho công tác duy trì làm sạch, không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa.

Để giải quyết những tồn tại, có được sự phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân, đại diện Urenco kiến nghị cần cải tạo, nâng cấp các NVSCC hiện có. Đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng thêm các NVSCC trên những đường phố chính, các điểm du lịch, thương mại và các nơi công cộng khác chưa có NVSCC, nâng cao chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế về tổ chức quản lý duy trì, các quy chế hoạt động, quy định và hướng dẫn việc sử dụng và giữ gìn các NVSCC. Quy định các trung tâm thương mại, các bến xe, công viên, chợ, đặc biệt là các quán bia giải khát... nhất thiết phải có NVSCC cho khách hàng. Mặt khác, người dân cũng phải được hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ tài sản chung.

 

NVSCC là vấn đề chung của cộng đồng, nếu không có giải pháp đến nơi đến chốn sẽ gây ra bức xúc. Vì vậy, tôi cho rằng nếu được giao cho các DN để chủ động khai thác, cung cấp dịch vụ tại những nơi công cộng và coi đó là phần tất yếu từ chuỗi dịch vụ của họ thì mới mong có kết quả khả thi. Nếu không thay đổi tư duy, tôi nghĩ rằng khó có thể thay đổi tình hình bất cập hiện nay.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam